1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Nga bắt đầu hứng chịu cuộc khủng hoảng việc làm vì chiến sự ở Ukraine

Nhật Linh

(Dân trí) - Hàng chục nghìn người Nga sẽ bị mất việc khi nhiều công ty nước ngoài rời Nga vì chiến sự ở Ukraine.

Điều này đặc biệt nghiêm trọng khi nền kinh tế Nga đang hứng chịu lạm phát ở mức cao nhất trong 20 năm và rất khó để tìm việc làm tốt ngay cả trước cuộc chiến nổ ra.

Nga bắt đầu hứng chịu cuộc khủng hoảng việc làm vì chiến sự ở Ukraine - 1

Hàng chục nghìn người Nga sẽ bị mất việc khi nhiều công ty nước ngoài rời Nga vì chiến sự ở Ukraine (Ảnh: Reuters).

"Gã khổng lồ" chuỗi đồ ăn nhanh McDonald's đang rời khỏi Nga, bỏ lại đây 62.000 nhân viên tại 850 nhà hàng. Trong khi đó, hãng xe hơi của Pháp Renault cũng rời đi, để lại 45.000 nhân viên người Nga mà họ đã tuyển dụng. 15.000 nhân viên của hãng nội thất Thụy Điển IKEA cũng sẽ chỉ được trả lương cho đến tháng 8. Trước khi Siemens rời khỏi đất nước này vào giữa tháng 5, họ cũng có 3.000 nhân viên tại đây. Những nhân viên cổ cồn xanh và cổ cồn trắng đang gia nhập đội quân thất nghiệp trong một cuộc khủng hoảng việc làm đang ngày càng tăng.

Theo cuộc khảo sát các nhà phân tích do Bloomberg tiến hành hồi tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp của Nga - từ mức 4,6% trong quý I - có khả năng sẽ tăng lên 9% vào cuối năm nay. Trong khi đó, lạm phát hàng năm của Nga đã tăng vọt lên gần 18% trong tháng 4. Sự kết hợp này sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt khiến cho người dân Nga cũng như nền kinh tế nước này bị tổn hại nặng nề.

Quartz dẫn một tài liệu rò rỉ cho biết, Bộ Tài chính Nga dự kiến GDP của nước này trong năm nay sẽ giảm 12%, xóa bỏ một thập kỷ tăng trưởng hoàn toàn.

Nga có thể mất 2 triệu việc làm trong năm nay

Tất nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của Nga không chỉ phụ thuộc vào các công ty nước ngoài mà còn phụ thuộc lớn vào việc hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã gián tiếp ảnh hưởng đến người lao động tại các doanh nghiệp trong nước.

Hồi đầu tháng 3, theo một quan chức Nga, có đến 95.000 công nhân phải chuyển sang "chế độ chờ", một tình trạng bấp bênh tương tự như nghỉ việc có lương. Trong tháng 2, trước khi chiến sự nổ ra, Nga có 3 triệu người bị thất nghiệp. Và nước này có nguy cơ mất thêm 2 triệu việc làm nữa trong năm nay, theo một báo cáo từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược, một tổ chức tư vấn ở Moscow.

Sinh kế của những nhân sự Nga làm việc tại các công ty rời đi giờ đây phụ thuộc vào số phận của các doanh nghiệp này. Chẳng hạn, nhà máy tại Moscow của Renault - vừa được Nga quốc hữu hóa - sẽ được chính phủ mở trở lại và có kế hoạch sử dụng để sản xuất dòng xe Moskvitch, một loại xe hình hộp thời Liên Xô.

"Chúng tôi không thể để hàng nghìn công nhân bị bỏ lại mà không có việc làm. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì hầu hết các nhóm làm việc trực tiếp tại nhà máy và các bộ phận liên quan", ông Sergei Sobyanin, thị trưởng Moscow, nói với các phóng viên.

Trong khi đó, McDonald's vẫn chưa tìm được người mua địa phương cho chuỗi nhà hàng của mình. Nhưng những công ty như Spotify, đã đóng cửa văn phòng ở Nga, thậm chí không có loại hình kinh doanh có thể bán được cho người mua ở Nga. Điều đó đồng nghĩa nhân viên của họ đang trong tình trạng lấp lửng.

"Gã khổng lồ" quần áo Zara cũng đã đình chỉ hoạt động tại Nga, vì vậy các nhân viên của hãng này cho tới nay chỉ nhận được 2/3 lương.

Theo Quartz, không rõ tình trạng lấp lửng này sẽ kéo dài bao lâu. Các biện pháp trừng phạt Nga khiến nước này bị cô lập khỏi nền kinh tế thế giới vẫn tiếp diễn ngay cả khi cuộc chiến kết thúc. Trong khi đó, nền kinh tế Nga vốn chỉ tập trung vào một số lĩnh vực như dầu khí, khai thác mỏ và một số loại hình sản xuất nhất định nên không có đủ các công ty để thu hút đông đảo công nhân. Nếu như các công ty như Zara, Renault không quay trở lại trong tương lai gần, cuộc khủng hoảng việc làm sẽ làm tâm điểm của nền kinh tế Nga.

Theo Quartz