Nếu tận dụng nguồn lợi thuỷ điện sẽ giảm được điện than

(Dân trí) - Tiềm năng thuỷ điện của Việt Nam vẫn còn, chúng ta có những lợi thế thì cần nên khai thác, phát triển. Nếu chúng ta tận dụng nguồn lợi thuỷ điện, thì chúng ta sẽ ngăn chặn được điện than.

Đây là khẳng định của PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tại hội thảo "Quy hoạch thuỷ điện vừa và nhỏ" đang diễn ra sáng nay 5/10 tại Hà Nội.

Các chuyên gia về điện, Bộ Công Thương kiến nghị Quốc hội cho khôi phục lại một số dự án thuỷ điện để đảm bảo an ninh năng lượng (ảnh minh hoạ
Các chuyên gia về điện, Bộ Công Thương kiến nghị Quốc hội cho khôi phục lại một số dự án thuỷ điện để đảm bảo an ninh năng lượng (ảnh minh hoạ

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia ngành điện và đại diện Bộ Công Thương đã đề xuất xem xét cho khôi phục lại một số các dự án trong 468 dự án thuỷ điện nhỏ và vừa thời gian qua đã bị Quốc hội loại bỏ trong quy hoạch phát triển điện năng.

Theo lý giải của ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương: Bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng lớn cho phát triển, mỗi năm tốc độ tăng tiêu thụ năng lượng đạt từ 8 - 10%, trong khi mà chúng ta đã khai thác gần như hết các dự án thuỷ điện lớn và nhỏ rồi, nếu hạn chế điện than chúng ta sẽ không đủ nguồn năng lượng cho phát triển.

Trước mắt, điện than vẫn là xu hướng của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, chúng ta không thể dựa vào nhiệt điện than mãi được, phải có nguồn năng lượng song hành. Nguồn năng lượng song hành đó phải là năng lượng mặt trời, sức gió và thuỷ điện.

Hơn 468 dự án thuỷ điện vừa và nhỏ bị Quốc hội loại bỏ trong thời gian vừa qua gồm 8 dự án thủy điện lớn và hơn 460 dự án thủy điện nhỏ) đã không xem xét xây dựng 213 vị trí tiềm năng khác.

TS Thiên cho rằng: Tiềm năng thuỷ điện của Việt Nam vẫn còn, chúng ta có những lợi thế thì cần nên khai thác, phát triển. Câu hỏi là tại sao Quốc hội đã quyết định xoá bỏ hàng trăm dự án thuỷ điện trong thời gian vừa qua? Đây có phải là lỗi của bản thân các dự án thuỷ điện hay không?

Viện trưởng Viện Kinh tế khẳng định: "Lý do không phải là bản thân các dự án thuỷ điện mà do cách làm, do cơ chế, chính sách và chủ trương của chúng ta thời gian qua. Một thời chúng ta cho phát triển ồ ạt các dự án thuỷ điện, không có quy hoạch nên tác động lớn đến môi trường sinh thái và hiệu quả. Vấn đề khôi phục các dự án thuỷ điện hiện nay không phải quay lại với mô hình cũ mà phải có cách làm, có mô hình mới, bền vững hơn, an toàn hơn”

Theo đánh giá của ông Thiên: Nỗ lực của Bộ Công Thương khơi dậy các dự án thuỷ điện nhỏ và vừa cần làm cụ thể, sàng lọc các dự án một cách khoa học. Nếu chúng ta tận dụng nguồn lợi thuỷ điện, thì chúng ta sẽ ngăn chặn được điện than.

“Tôi vẫn rất e ngại nhiệt điện chạy than vì nó tác động hai mặt đến an ninh năng lượng và môi trường. Cái này không thể coi thường được, ở cấp độ phát triển hiện nay (theo Tổng sơ đồ điện VII) ô nhiễm môi trường do nhiệt điện than có thể dẫn đến thảm hoạ chứ không phải không”, TS Thiên nói.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, đặt lại vấn đề “khôi phục”, “sống lại” các dự án thuỷ điện nhỏ hiện nay là phải gắn với lợi ích tổng thể của nền kinh tế, lợi ích của người dân phụ cận trong lợi ích năng lượng. Việc phát triển thuỷ điện một cách bền vững, hiệu quả không chỉ bổ sung năng lượng cho phát triển, bù đắp thiếu hụt mà còn giúp chúng ta có quyết tâm loại bỏ bớt nhiệt điện than.

An Linh

Nếu tận dụng nguồn lợi thuỷ điện sẽ giảm được điện than - 2