Nếu áp thuế phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất mía đường, 5 năm liệu có đủ?

Trường Thịnh

(Dân trí) - Hội nhập là cần thiết để phát triển, song trong ngắn hạn mía đường Việt Nam khó thích nghi nếu "đụng độ" sản phẩm nước bạn có sự bảo hộ phía sau. Áp thuế phòng vệ trong 5-10 năm là cần thiết để cây mía Việt Nam cứng cáp, đứng vững trước cạnh tranh.

Mía đường vươn lên mạnh mẽ sau cơ giới hóa

Bên cạnh lợi thế tự nhiên về đất đai, từ đầu thế kỷ 20 trở lại đây, với các nhà máy đường công nghiệp được đầu tư, vùng mía nguyên liệu mở rộng, Việt Nam đã có những định hướng rõ rệt để phát triển ngành mía đường. Ðến nay, theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tổng hợp từ số liệu của các địa phương có nhà máy đường, tổng diện tích trồng mía niên vụ 2019-2020 là 182.599 ha. Trải dọc từ tỉnh Lạng Sơn đến mũi Cà Mau là những câu lạc bộ (CLB) mía có năng suất 100 tấn/ha và nhiều CLB có năng suất 200 tấn/ha, với chữ đường cao trên 11 CCS. Nhiều trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp cũng được thành lập để đánh giá, tuyển chọn và thu thập giống mía, tạo ra giống năng suất cao, đạt từ 100 - 150 tấn/ha và có thể lên đến 250 tấn/ha. Theo Viện mía đường, mục tiêu đến năm 2030, chữ đường trung bình sẽ đạt 12 CCS và giống mía Việt Nam chiếm hơn 50% diện tích.

Nếu áp thuế phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất mía đường, 5 năm liệu có đủ? - 1

Mía đường Việt Nam vươn lên mạnh mẽ sau cơ giới hóa

Song song đó, ngành mía đường cũng đã mạnh tay hơn trong việc cơ giới hóa. Theo lộ trình đến năm 2020, tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp của Việt Nam phải đáp ứng được 32,6% nhu cầu của thị trường, trong đó, cơ giới hóa ngành mía đường được đánh giá là bước đi có tính tiên phong.

Nhưng vẫn yếu thế trước các nền nông nghiệp lâu đời

Trước năm 1995, Việt Nam chỉ sản xuất được dưới 500.000 tấn đường mỗi năm, nhưng tính tới niên vụ 2017/18, toàn ngành đường ép hơn 14 triệu tấn mía, sản xuất được hơn 1,4 triệu tấn đường. Trong những thập kỷ vừa qua, ngành mía đường Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt. Nhưng bởi "sinh sau đẻ muộn" - năng lực sản xuất của mía đường Việt Nam chỉ chính thức được "giải phóng" sau chủ trương đổi mới từ 1986, trong khi ngành sản xuất đường đã được công nghiệp hóa tại Châu Mỹ từ thế kỷ thứ 18, ngành mía đuờng Việt Nam vẫn "non trẻ" so với Brazil, Ấn Độ, Thái Lan…

Chưa kể đến, ở một số quốc gia như Thái Lan, ngành mía đường nhận được sự quan tâm và bảo hộ chặt chẽ của chính phủ. Theo tính toán dựa trên báo cáo của Hiệp Hội Mía Đường Mỹ vào 2019 thì Chính phủ Thái Lan trợ giá tối thiểu 1,5 tỉ USD/năm, tương đương 3.000 đồng/kg cho ngành mía đường nội địa. Mới đây, chính phủ Thái Lan cũng đã trợ cấp cho ngành đường nước này 10 tỉ bath, tương đương 317 triệu USD sau hạn hán, bất chấp lời hứa thả nổi giá đường hồi năm 2019 sau khiếu nại từ Brazil.

Điều này đã và đang tạo cho đường Thái Lan "ưu thế về giá" khi xuất ra thị trường nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Mới đây, khi Việt Nam thực hiện cam kết ATIGA, tưởng chừng sân chơi ngành mía đường trong khu vực Đông Nam Á đã "rộng mở" và sòng phẳng hơn khi các hàng rào thuế quan, hạn ngạch dần được dỡ bỏ. Tuy nhiên, việc tăng cường mở cửa hội nhập cùng với sự hỗ trợ từ chính phủ Thái Lan đã khiến cho cán cân thương mại ngành mía đường Việt Nam - Thái Lan thâm hụt lớn, là một trong những nguyên nhân gây thiệt hại cho ngành mía đường nước ta.

5-10 năm áp thuế phòng vệ thương mại (PVTM) để mía đường Việt Nam cạnh tranh công bằng, sòng phẳng

Thực tế trong quá trình hội nhập, Chính phủ nước ta cũng luôn dành sự quan tâm cho ngành mía đường. Đơn cử, sau gần 7 tháng Việt Nam thực thi cam kết ATIGA, ngày 14 tháng 7 năm 2020 Thủ tướng Chính Phủ đã có Chỉ thị số 28/CT-TTg về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới. Bên cạnh những giải pháp căn cơ hỗ trợ phát triển ngành mía đường bền vững thì các giải pháp quản lý về thương mại đối với sản phẩm đường mía cũng được đặt ra theo dõi, triển khai điều tra, áp dụng biện pháp PVTM với đường nhập khẩu; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng đường; nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý đường nhập khẩu trong tình hình mới. Đã có những đề xuất và đánh giá cho thấy thuế PVTM sẽ là biện pháp trực diện và hiệu quả để đảm bảo ngành mía đường Việt Nam được phát triển trong sự công bằng, bình đẳng.

Nếu áp thuế phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất mía đường, 5 năm liệu có đủ? - 2

Thuế PVTM được xem là biện pháp trực diện và hiệu quả để bảo hộ tức thời cho ngành mía đường

Tham khảo bài học từ Mỹ - quốc gia đứng đầu thế giới về nhập khẩu đồng thời là nước dẫn đầu số lượng khởi xướng các vụ điều tra PVTM. Với kinh nghiệm sâu rộng, Mỹ đã áp thuế PVTM thành công cho hàng trăm mặt hàng nhập khẩu với thời hạn đến 5 năm và không hạn chế số lần gia hạn. Tương tự, nếu ngành mía đường Việt Nam được triển khai thuế PVTM chặt chẽ, tuân thủ pháp luật trong nước và thông lệ quốc tế với hiệu lực từ 5-10 năm thì cây mía Việt Nam sẽ có thêm thời gian "cứng cáp trưởng thành" để cạnh tranh sòng phẳng trên sân chơi trong và ngoài nước, ngành mía đường cũng có thời gian hồi phục sau thiệt hại trong niên vụ 2019/20.

Đây cũng là "quãng thời gian chạy đà" cần thiết để các Nhà máy đường Việt Nam "vượt khó" do tác động kép của ATIGA và dịch Covid-19. Thực tế cho thấy, trước đây cả nước có 40 nhà máy mía đường hoạt động thì trong niên vụ 2019/20, chỉ còn 29 nhà máy hoạt động. Niên vụ 2020/21 dự báo sẽ tiếp tục với nhiều khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Thuế PVTM theo đó sẽ là một hành động xác đáng từ Việt Nam để đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa ngành sản xuất "nước mình" và "nước bạn" trong bối cảnh hội nhập.

Trong ngắn hạn, mía đường Việt Nam vẫn còn non trẻ để được "thả nổi" trong sân chơi cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển của ngành mía đường Việt Nam trong dài hạn là không hề nhỏ. Sự ồ ạt tràn vào của mía đường Thái Lan là hồi chuông báo động cho nông dân và doanh nghiệp Việt Nam. Càng sớm ý thức sớm mối nguy, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học trong nông nghiệp, tăng tốc cơ giới hóa để bắt kịp năng suất của các nền sản xuất mía đường phát triển, mía đường Việt Nam càng sớm trưởng thành, đủ năng lực cạnh tranh để đứng vững trong kinh tế thị trường.