Nên coi ô tô là phương tiện, thay vì hàng xa xỉ
(Dân trí) - Trong khuôn khổ của Triển lãm ô tô quốc tế Việt Nam (Vietnam International Motor Show), các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp nhập khẩu xe đều kiến nghị cải cách trong lĩnh vực thuế đối với ô tô, đặc biệt là giảm nhanh thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạ giá bán xe, có lợi cho người tiêu dùng.
“Ô tô hiện nay đã là một phương tiện giao thông bình thường như các phương tiện khác chứ không còn là mặt hàng xa xỉ. Vì thế, cần giảm thuế, nhất là đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để hạ giá bán xe. Việc giảm thuế, giảm giá bán xe, kích cầu thị trường sẽ có tác động tích cực tới nhiều đối tượng mà trước tiên chính là ngành công nghiệp ô tô”, Chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả, Bộ Tài Chính nói.
Theo T.S Long, người tiêu dùng ô tô Việt Nam hiện nay đang phải trả mức phí và thuế cao để sở hữu xe ô tô. Mức chi trả cho các loại phí của người mua xe tại Việt Nam cao hơn một số nước ASEAN, trong khi thu nhập bình quân/người của dân Việt Nam thấp hơn nhiều nước.
Ông Long dẫn dụ: “Tỷ lệ sử dụng xe hơi/người ở Việt Nam còn ở mức dưới trung bình so với các nước trong khu vực. Indonesia, Thái Lan là 80 – 140 xe/1.000 dân, còn Việt Nam chỉ đạt 18 xe/1.000 dân, tương đương với Thái Lan cách đây 15 năm”
Thuế và phí hiện nay chiếm khoảng từ 50 – 60% giá trị xe. Do đó, việc nhanh chóng giảm thuế, giảm giá bán xe sẽ tác động tích cực tới nhiều đối tượng, trước nhất là chính sách ngành công nghiệp ô tô. Thị trường mở rộng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất linh kiện, phụ tùng, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Người tiêu dùng được lợi vì được mua xe với giá phù hợp, có sự lựa chọn phong phú.
Ông Long nhìn nhận, để xe đến tay người tiêu dùng, họ phải trả lần lượt 10 loại phí khác nhau, trong đó có bốn loại thuế chính là thuế nhập khẩu linh kiện (đối với loại xe lắp ráp trong nước) doanh nghiệp tính vào giá xe từ 10 – 30%; hoặc thuế nhập khẩu đối với với dòng xe nhập nguyên chiếc là từ 50 – 70% tù các loại. Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) còn từ 40 – 60% tùy theo dung tích xe; thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%... Ngoài ra, còn rất nhiều loại phí, phụ phí khác như: phí trước bạ, đăng kiểm, sử dụng đường bộ, thuế, phí xăng dầu, phí thử nghiệm khí thải, phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu… cũng khiến giá các loại xe đến tay người tiêu dùng đội giá gấp nhiều lần.
Nên chia thành nhiều nhóm nhỏ
Theo ông Long, trong các loại thuế và phí nêu trên, chỉ có thuế nhập khẩu được giảm xuống theo các cam kết khi Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại tự do song và đa phương (FTA) có tính chất khu vực như với WTO, FTA giữa Việt Nam và EU, cơ chế Cộng đồng kinh tế của ASEAN (AEC) hay mới đây là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thời điểm bắt đầu giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và linh kiện ô tô từ ASEAN theo cơ chế AEC bắt đầu từ năm 2015 và 2018 mức thuế suất sẽ là 0%. Còn với TPP, bắt đầu giảm thuế từ 2016 và bỏ hoàn toàn vào năm 2026 cho các dòng xe nhập khẩu vào Việt Nam từ 11 nước TPP.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp nhập khẩu xe, thuế TTĐB ở Việt Nam hiện còn quá cao do ô tô vẫn được xem là mặt hàng xa xỉ. Dù khoảng cách tính thuế TTĐB giữa các dòng xe theo dung tích đã được giãn cách song thuế TTĐB với ô tô đang được dự đoán là tăng lên, kể cả đối với các dòng xe dung tích nhỏ, xe chiến lược mà Việt Nam có thể sản xuất được và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
T.S Long cho hay, Bộ Tài Chính nên điều chỉnh mức tính thuế TTĐB nhỏ hơn nữa đối với dung tích xe trên cơ sở, áp dụng mức thuế TTĐB thấp hơn với dòng xe dung tích nhỏ từ 1.8L trở xuống và đánh thuế tiêu thụ cao hơn đối với các dòng xe có dung tích cao hơn từ 3.0L trở lên. Đây là quan điểm phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đã được Chính phủ thông qua và cũng là chính sách của nhiều nước đang thực hiện. Việc.
Các dòng xe dung tích nhỏ, doanh nghiệp Việt Nam, liên doanh hoàn toàn sản xuất được và phù hợp với Việt Nam thì nên giảm sâu, thậm chí chỉ giữ từ 10 – 20% thôi, chứ không nên giữ 40% như hiện nay. Mặt khác, đối với dòng xe sang, chỉ có nhà giàu mới mua được, xe có dung tích từ 3.0L trở lên, tiêu hao nhiên liệu nhiều, kích thước lớn nên đánh thuế cao để sàng lọc.
Còn theo đại diện một số hãng xe nhập tại Triển lãm, chính sách thuế TTĐB không nên cào bằng mà cần có khoảng cách lớn để phân biệt chủng loại và dòng xe để họ thuận lợi cho phân phối và bán hàng. Nên duy trì mức thuế TTĐB hợp lý, phù hợp thông lệ quốc tế để thị trường phát triển cân bằng và người tiêu dùng không chịu thiệt.
“Mặc dù trong các cam kết về thuế quan của FTA song phương, khu vực và đa phương quốc tế không ràng buộc mức thuế quan là bao nhiêu và lộ trình cắt giảm nhưng cách đánh thuế của chúng ta hiện nay chưa sàng lọc để ưu tiên phát triển những dòng xe lợi thế, chiến lược có thể sản xuất được như xe có dung tích dưới 1,5 L và những dòng xe hạn chế nhập trên 3.0 L”, ông Long nhấn mạnh thêm.
Nguyễn Tuyền