Năng suất lao động thấp: “Đừng đổ tại người dân”

(Dân trí) - “Năng suất lao động thấp nhất khu vực thì đừng đổ cho người dân thiếu sáng tạo, thiếu chăm chỉ và chúng ta đi lên từ 1 nước nông nghiệp. Bây giờ là lúc phải tìm ra hướng khắc phục...” Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.

Mới đây, báo cáo tại Diễn đàn Năng suất lao động Việt Nam 2014 của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã cảnh báo về tình trạng năng suất lao động (NSLĐ) Việt Nam thấp hơn 2 lần so với bình quân các nước trong khu vực ASEAN và thấp hơn nhiều so với Singapore, Thái Lan, Malaysia.
 
Cụ thể NSLĐ Việt Nam chỉ bằng 23% của Malaysia, 12% của Singapore với các nước Đông Bắc Á chỉ bằng 13% Nhật Bản và Hàn Quốc, 46,5% của Trung Quốc... Mặc dù trong giai đoạn trước đó (2001-2010), tốc độ tăng NSLĐ hàng năm của Việt Nam chỉ thấp hơn Trung Quốc một chút.

N
Năng suất lao động Việt Nam thấp sẽ là 1 trong những trở ngại cho Việt Nam khi tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Báo cáo trên của CIEM một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về năng suất lao động của Việt Nam bởi, tháng 9/2014, Ngân hàng thế giới (WB) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã đưa ra báo cáo, trong đó chỉ ra NSLĐ người Việt Nam thấp hơn 11 lần so với Nhật Bản và 10 lần so với Trung Quốc. Đặc biệt, năng suất của 15 người Việt Nam mới bằng 1 người Singapore và 10 người Việt Nam mới bằng 1 người Thái Lan.

Báo cáo của CIEM cũng cho rằng, việc tăng NSLĐ của Việt Nam thời gian qua chủ yếu dựa nhiều vào các yếu tố tài nguyên, thâm dụng vốn và khu vực đầu tư nước ngoài. Các ngành nghề khai thác tài nguyên khoáng sản, sử dụng nhiều vốn có mức lương cao nên năng suất cao hơn so với các ngành sản xuất khác. Lương và năng suất lao động khu vực đầu tư nước ngoài FDI cao và bỏ xa khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lương và năng suất lao động khu vực công nghiệp, dịch vụ cao hơn nhiều so với nông lâm ngư nghiệp. Chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ chậm và thiếu tính bền vững.

Theo TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định: “Năng suất lao động Việt Nam thấp có liên quan rất lớn đến năng lực đổi mới, sáng tạo của người lao động. Người lao động không được làm việc trong môi trường được tự do sáng tạo và có tư tưởng khuyến khích sáng tạo. Tại Việt Nam, nhiều ngành, nghề và nhiều ý tưởng của người dân, doanh nghiệp nếu cơ quan quản lý không quản được thì bị cấm ngay. Muốn tăng NSLĐ đòi hỏi phải hình thành một xã hội sáng tạo. Mọi sáng kiến dù là nhỏ nhất cũng cần phải được xã hội nuôi dưỡng và trân trọng mới có nền tảng để tăng NSLĐ. Không thể chần chừ và rơi mãi vào vòng luẩn quẩn này được nữa”.

Ông Cung cũng cho biết: “Năng suất lao động liên quan mật thiết với thu nhập bình quân của người lao động, bởi đó là thặng dư giá trị họ mang về cho mình. Tuy nhiên, người Việt Nam hiện nay đang bị “giới hạn thặng dư” hay nói khác là nhiều cách quản lý của cơ quan bộ ngành đang cản trở người dân làm giàu chính đang bằng cơ chế không “quản được thì cấm”.

Theo cách đánh giá của WB và ILO, năng suất người lao động dựa trên giá trị tạo ra/thời gian thực. Tức là giá trị tiền lương, giá trị sản lượng người lao động tạo ra trong vòng 1 tiếng, 1 ngày, 1 tháng hay 1 năm. Cách tính trung bình của các tổ chức quốc tế dựa theo độ tuổi, năng lực sáng tạo đổi mới và đặc biệt là không để ý đến nhiều về bằng cấp, chỉ để ý đến trình độ văn hóa, khả năng hiểu biết và hòa nhập môi trường.

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan: “Rất may là WB và ILO đã cảnh báo năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn khu vực kịp thời, nếu không nó đã bị lãng quên thay bằng các việc khác. Tôi cho rằng, không được đổ NSLĐ thấp vào hết người lao động, vì bản chất người lao động Việt Nam rất chịu khó, rất sáng tạo và thực tế hiện nay đã và đang chứng minh điều đó. Các cuộc thi về tay nghề của Việt Nam đứng hàng đầu khu vực; chỉ số IQ của người Việt Nam (96) đứng thứ hai khu vực chỉ sau người Singapore (103)…Vậy vì sao lại thấp hơn so với các nước khác, đây là thực tế phải nhìn vào công tác đào tạo dạy nghề, quy hoạch và dự báo ngành nghề. Đặc biệt là chính sách phát triển quốc gia phải nhấn mạnh đến vai trò sáng tạo, ý chí khởi nghiệp trong giới trẻ hay không. Cần phải mạnh tay loại bỏ trở lực về cơ chế quản lý và tư tưởng hành chính hóa quan hệ sản xuất”.

Ở một ý kiến khác, TS Nguyễn Đình Cử - Nguyên Viện trưởng Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em cho rằng: chính vì dân số phụ thuộc quá nhiều vào nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm và đô thị hóa chậm khiến cho năng suất lao động của Việt Nam chưa theo kịp các nước khu vực. Mặc dù có 1 giai đoạn chúng ta chỉ cách không xa họ, nhưng đến thời điểm hiện tại, chúng ta ngày càng cách xa: “Năm 2013, Việt Nam có 67,81% nông thôn, trong khi đó thành thị chỉ chiếm 32,19%. So sánh tương quan năm 2012, thu nhập bình quân/người/năm của người Việt Nam là 4.998 USD, trong khi đó người Singapore là 72.724 USD, gấp 14 lần Việt Nam. Lao động lĩnh vực nông nghiệp của người Singapore chỉ chiếm 0,9% cơ cấu lao động, trong khi đó đội ngũ nông dân chiếm hơn 47% cơ cấu lao động của Việt Nam.

TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững: “NSLĐ Việt Nam đúng là thấp nhất khu vực, chịu ảnh hưởng bởi khoa học công nghệ giúp người lao động nâng cao năng suất, nhưng đầu tư cho Khoa học công nghệ không nhiều, giai đoạn 2001-2011 chỉ đầu tư 0,5% GDP, trong khi các nước Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc đầu tư 1-2% GDP. Lao động của chúng ta có được đào tạo nhưng không đúng với nhu cầu, đào tạo một đằng nhưng làm việc một nẻo, nên không cạnh tranh được”.

Nguyễn Tuyền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”