“Nặng gánh” tăng trưởng tín dụng
(Dân trí) - Mặc dù chính sách tiền tệ bắt đầu được nới rộng dần, lãi suất cho vay giảm, song các ngân hàng đang lo khó đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25% trong năm nay.
Đẩy mạnh bán lẻ
Một trong những biện pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng được nhiều đơn vị hướng tới là tập trung vào kênh bán lẻ, nhất là dịch vụ cho vay tiêu dùng. Trong vài tuần trở lại đây, nhiều khách hàng tới tập nhận được thư chào mời vay tiêu dùng cá nhân của nhiều ngân hàng cùng lúc.
Một lãnh đạo phụ trách mảng cho vay tiêu dùng của Ngân hàng SeaBank xác nhận, bản thân anh cũng nhận được khá nhiều thư chào mời như vậy từ các ngân hàng khác.
Theo anh này, thời điểm cuối năm, nhu cầu sắm sửa mới vật dụng gia đình, xây, sửa nhà… tăng cao, do vậy, các ngân hàng đang chen nhau giành “miếng bánh” thị phần này.
Nếu như ngân hàng Đại Á đưa ra lời mời gọi vay vốn mua sắm vật dụng gia đình, mua ô tô, trang trải các chi phí khám chữa bệnh, cưới hỏi, du học… thì ABBank và SeaBank lại nhấn mạnh cải tiến thủ tục khi thời gian xử lý hồ sơ chỉ trong vòng 8 tiếng. SeaBank và Techcombank cũng là những ngân hàng đang áp dụng hình thức tích lũy điểm đổi quà tặng cho khách hàng giao dịch lâu dài với ngân hàng.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn liên kết với các công ty bất động sản để cho vay mua nhà, mua căn hộ tại các thành phố với mức tài trợ được hứa hẹn lên đến 70% tổng chi phí và thời gian tài trợ lên đến 15 năm…
Sức ép nhiều phía
Tuy nhiên, tổng giám đốc một ngân hàng TMCP tại Hà Nội, chia sẻ, cho vay tiêu dùng chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong tổng cơ cấu tín dụng, mặt khác chi phí lại cao, nên “đích nhắm” của các ngân hàng vẫn là khu vực sản xuất, kinh doanh.
Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank, cho biết, tổng dư nợ của ngân hàng đến cuối tháng 6 chỉ đạt 8% nên “gánh nặng” chỉ tiêu còn lại dồn cả vào 6 tháng cuối năm. Trong khi đó, lãi suất huy động phải giảm mạnh theo lộ trình làm tăng lo ngại khó thu hút người gửi tiền.
“Chúng tôi cũng muốn giảm lãi suất để mở rộng tín dụng, song chỉ e không có vốn mở rộng”, ông Phước nói. Hầu hết lãnh đạo các ngân hàng cùng có chung mối lo này.
Một nhân viên tín dụng Ngân hàng Vietcombank cho biết, vẫn có khách hàng là tổ chức kinh tế có lượng tiền gửi lớn yêu cầu phải được trả lãi suất huy động tới 13% một năm.
“Đề nghị này rất mâu thuẫn với đòi hỏi phải giảm mạnh lãi suất cho vay để phục vụ sản xuất, kinh doanh”, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Dương Thu Hương nhận xét.
Trường hợp doanh nghiệp có vốn, song không muốn đầu tư sản xuất mà dành gửi ngân hàng lấy lãi không phải chuyện hiếm bởi nền kinh tế phục hồi còn chậm, doanh nghiệp bị “bó” đầu ra.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đến 1/6, lượng hàng công nghiệp tồn kho tăng tới 27,5% so với cùng kỳ năm 2009. Điều đó dự báo khả năng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ở khu vực sản xuất với các ngân hàng không dễ thực hiện.
Một lãnh đạo Ngân hàng Agribank chia sẻ thêm, khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay hiện quá hẹp làm tăng sức ép lợi nhuận của các ngân hàng.
Theo ông này, để giảm mặt bằng lãi suất, kích thích tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt hơn trong chính sách tiền tệ như thông qua các nghiệp vụ thị trường mở hoặc trực tiếp hỗ trợ các NH bằng cách bơm vốn… thay vì cách can thiệp nặng về biện pháp hành chính như hiện nay.
Theo ĐV
Báo Công thương