Năm thất thu của xe nhập, hơn 34.000 chiếc "biến mất" khỏi Việt Nam
(Dân trí) - Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng xe nhập năm 2020 đã suy giảm hơn 34.200 chiếc so với năm trước, lượng xe nhập giảm mạnh nhất là từ Thái Lan, Indonesia, Đức và Trung Quốc.
Cụ thể, hết tháng 12/2020, tổng lượng xe nhập các loại về Việt Nam là hơn 105.200 chiếc, giảm hơn 34.200 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng xe con chỉ đạt hơn 75.570 chiếc, giảm hơn 26.800 chiếc.
Điều này cho thấy, thị trường xe du lịch tại Việt Nam năm 2020 có sự sụt giảm cả về thị trường xe trong nước cũng như nhập khẩu. Trong đó, xe nhập khẩu ở các đối tác lớn suy giảm mạnh nhất. Đơn cử như xe Thái Lan nhập về Việt Nam chỉ đạt hơn 52.700 chiếc, giảm hơn 21.400 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Hay xe nhập từ Indonesia chỉ đạt 35.000 chiếc, giảm hơn 11.500 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Các loại xe nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Mỹ đều giảm nhẹ từ vài trăm đến vài nghìn chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Về doanh số xe trong nước, báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, năm 2020 doanh số bán hàng của các hãng xe chỉ đạt 296.600 chiếc, giảm hơn 25.600 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Riêng xe con, lượng bán ra chỉ đạt hơn 221.200 chiếc, giảm gần 16.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Tổng lượng tiêu thụ xe của các doanh nghiệp thuộc VAMA và các doanh nghiệp lớn khác gồm Thành Công, VinFast vào khoảng hơn 400.000 chiếc. Không đạt mục tiêu hơn 500.000 chiếc xe như nhiều người kỳ vọng, song lượng tiêu thụ của thị trường Việt Nam vẫn đứng ở top 5 ASEAN sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, và Philippines.
Năm 2020 thị trường xe Việt chứng kiến sự áp đảo của các doanh nghiệp xe tại Việt Nam. Ba ông lớn như Thành Công, Trường Hải và VinFast đã có doanh số bán ra vượt so với các doanh nghiệp liên doanh lắp ráp - nhập khẩu xe hơi tại Việt Nam.
Cụ thể, tổng doanh số của Thaco, Thành Công và VinFast năm 2020 ước đạt hơn 211.500 chiếc, trong khi gần 10 hãng xe liên doanh, nhập khẩu chỉ đạt hơn 196.000 chiếc.
Việc xe nhập thất thu trong năm 2020 do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do tổng cầu suy giảm bởi dịch Covid-19 tác động tới mục tiêu mua xe của nhiều cá nhân, gia đình.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là Việt Nam đã thay đổi cách thức ưu đãi sản xuất, lắp ráp xe hơi, theo đó ưu đãi bỏ thuế nhập khẩu linh kiện lắp ráp xe hơi trong nước. Điều này kích thích các doanh nghiệp liên doanh vốn nhập khẩu xe chuyển sang đầu tư dây chuyền lắp ráp các mẫu xe ăn khách như Fortuner của Toyota, CRV của Honda hay Xpander của Mitsubishi...
Việc chuyển từ nhập sang lắp ráp các dòng xe có doanh số cao khiến các mẫu xe nhập số lượng lớn từ Thái Lan, Indonesia bị giảm sút mạnh. Trong khi đó, trên thị trường xe nhỏ, giá xe, xe nhập hiện nay khó có cơ hội tranh giành thị phần đối với xe lắp ráp trong nước.
Những mẫu xe Morning của Kia - Trường Hải; i10 của Hyundai Thành Công hay Fadil của VinFast đã và đang cạnh tranh ngày càng quyết liệt về doanh số đối với các mẫu xe nhập như Toyota Wigo, Honda Brio... Điều này cũng khiến lượng xe nhập giá rẻ từ Indonesia, Thái Lan vào Việt Nam ít đi.
Năm 2021, nhiều doanh nghiệp xe hơi nhập khẩu ở Việt Nam cho biết xu hướng tiêu thụ xe hơi tại Việt Nam có thể chuyển sang xe SUV đô thị hay còn gọi là xe CUV do phù hợp và đa dụng. Phân khúc này đang rất nóng ở Việt Nam khi chứng kiến nhiều cuộc chiến doanh số không khoan nhượng giữa Kia Seltos, với Toyota Cross, Hyundai Kona...
Bên cạnh đó, các loại xe gầm cao SUV hay MPV có giá từ 700 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng cũng có thể sẽ diễn ra cuộc đua về giá bán cũng như đưa ra các bản nâng cấp mới hơn.