Nam huấn luyện viên thể hình bỏ việc về nuôi "gà lực sĩ", thu lãi khủng
(Dân trí) - Từ bỏ vị trí huấn luyện viên thể hình ở một trung tâm thể thao hiện đại, bậc nhất Hải Phòng, anh Hoàng Vũ quyết định về nhà nuôi "gà lực sĩ", ôm giấc mộng làm giàu.
Bỏ lương cả nghìn đô la về nuôi gà
Vốn là một huấn luyện viên thể hình có tiếng ở TP Hải Phòng, nhưng sau khi kết hôn anh Nguyễn Quang Hoàng Vũ (ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng) quyết định xin nghỉ việc trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Bởi cách đây 4 năm, anh đang ở thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp với mức lương hấp dẫn, lên tới cả nghìn đô la.
"Khi ấy, tôi giữ chức đội trưởng ở một trung tâm thể thao hiện đại, bậc nhất Hải Phòng. Nhưng sau khi kết hôn, tôi muốn dành sự quan tâm nhiều hơn cho gia đình. Dù công việc cũ mang lại cho tôi thu nhập tốt nhưng thời gian lại không thoải mái nên tôi nghỉ việc" - anh nói.
Với số vốn sau 4 năm tích cóp, dành dụm từ nghề huấn luyện viên, anh Vũ quyết định khởi nghiệp, làm giàu với giống gà cảnh Serama hay còn gọi là gà lực sĩ. Khi đó, thị trường gà cảnh ở Việt Nam đang phát triển khá mạnh nhưng nguồn cung thì thiếu.
"Hồi làm huấn luyện viên, tôi từng nuôi gà Serama, nhưng chỉ là chơi cảnh đơn thuần. Tôi mua 3 con khi đó là 1,2 triệu đồng. Nhưng tôi biết, có loại còn lên tới 5 - 7 triệu đồng/con, nên tôi mới nghĩ tại sao mình không nuôi thử để kinh doanh?" - anh kể.
Ngoài ra, một lí do khiến anh chọn gà lực sĩ là so với các giống gà khác thì loại này khá dễ chăm, không tốn nhiều diện tích. Một chuồng sắt có kích thước 50x50 cm là đã có thể chăm nuôi. Hơn nữa, việc vệ sinh chuồng trại khá đơn giản, người nuôi chỉ cần sử dụng tấm lót phía dưới, 3 tháng mới cần phải thay bỏ một lần.
Theo anh Vũ, giống gà Serama có nguồn gốc từ Malaysia với trọng lượng từ 200 - 350 gram. Chúng có thân hình vạm vỡ, ngực to, dáng ưỡn, cổ rụt về sau nên được gọi là gà lực sĩ. Thức ăn của chúng khá đơn giản, chỉ là cám chăn thông thường.
"Nếu muốn chúng có bộ lông đẹp, màu sắc sặc sỡ thì người nuôi có thể cho ăn thêm rau xanh, ngũ cốc, sâu và lau lông cho chúng hàng ngày" - anh tiết lộ.
Tận dụng khoảng trống trên sân thượng, anh Vũ thiết kế một cái nhà bằng sắt rộng 16m2 để nuôi 100 con gà lực sĩ. Tuy nhiên, đợt đầu nuôi do không có kinh nghiệm, số gà của anh bị chết một nửa, gây thiệt hại nặng nề.
"Giống gà Serama chăm rất dễ nhưng phải đúng cách, không thì chết sạch. Ví dụ như mùa hè thì phải có chế độ làm mát, thông hơi để gà đỡ nóng, còn mùa đông thì cần thắp đèn để sưởi, đặc biệt là chuồng trại cần đảm bảo khô ráo, tránh ẩm ướt.
Những kiến thức này, chỉ có bắt tay vào làm mới hiểu và đúc rút ra kinh nghiệm. Nên cứ sai ở đâu, tôi học lại ở đó, cứ như thế thành thạo thôi" - anh tâm sự.
Mở rộng mô hình kinh doanh
Nhờ chăn nuôi có uy tín, sau một thời gian, lượng khách mua gà nhà anh Vũ ngày càng nhiều thêm. Không chỉ phục vụ cho thị trường trong nước mà anh còn bán buôn cho các đầu mối ở nước ngoài.
"Lúc trước dịch Covid-19, gà cảnh nhà tôi còn sang cả Trung Quốc. Một là tôi gửi theo đường bộ, hai là họ sang tận nhà thu mua. Trong nước tôi cung cấp chủ yếu cho thị trường từ Hà Nội vào tới Đà Nẵng, còn miền Nam thì ít hơn" - anh Vũ cho hay.
Ngoài ra, anh Vũ còn tiết lộ, giá cho mỗi chú gà cảnh Serama dao động từ vài trăm nghìn đồng đến cả triệu đồng. Vào thời gian cao điểm, trung bình mỗi tháng, anh thu về 60 - 70 triệu đồng tiền lãi nhờ việc bán gà.
"Từ khi có dịch Covid-19, việc kinh doanh của tôi cũng bị ảnh hưởng, như lượng gà bán ra kém. Đồng nghĩa với việc doanh thu sụt giảm, giờ trừ đầu trừ đuôi, mỗi tháng, tôi cũng chỉ thu về 25 - 30 triệu đồng tiền lãi" - anh nói.
Khu vực nuôi gà nhà anh Vũ hiện có diện tích lên tới 100 m2 với 250 chuồng. Mỗi chuồng sắt được anh thiết kế với kích thước từ 50x50 cm, 60x60 cm, 70x70 cm, 80x80 cm, cùng với hệ thống đèn điện, quạt gió và các trang thiết bị đi kèm.
Trung bình mỗi tháng, anh duy trì nhân giống gà bằng việc ấp nở 500 trứng. Trứng sẽ được cho vào máy ấp tự động theo quy trình. Ngày nào trứng gà đẻ ra đều được ấp luôn, không để lưu kho, tồn đọng.
"Có một vấn đề khi Covid-19 ập đến là lượng trứng và gà vẫn ra đều như thường lệ. Trong khi, đầu ra hiện nay khó khăn, do người mua không còn mạnh tay chi tiêu như trước nên ngoài việc duy trì lượng khách cũ tôi phải tăng cường tìm khách mới" - anh chia sẻ.
Hàng ngày, ngoài việc chăm nuôi gà, anh Vũ còn dành một lượng lớn thời gian giới thiệu, buôn bán, quảng cáo gà trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube.
"Giờ nghĩ lại, sau 4 năm rẽ hướng, tôi nghĩ mình không sai và thấy lựa chọn khi xưa hoàn toàn đúng đắn. Giờ đây, tôi có thu nhập ổn định, thậm chí là cao hơn trước nhiều lần. Đặc biệt là vẫn có thể phụ vợ, chăm con, lo lắng nhiều hơn cho gia đình. Còn khó khăn thì lúc nào cũng có, công việc nào cũng có, quan trọng là mình đối mặt và xử lý ra sao thôi" - anh Vũ bộc bạch