Năm buồn của gạo Việt, xuất khẩu giảm mạnh gần 2 triệu tấn

(Dân trí) - Chỉ sau 1 năm, lượng xuất khẩu gạo đã giảm mạnh gần 2 triệu tấn, khiến năm 2016 trở thành năm đáng buồn nhất đối với xuất khẩu gạo, một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu năm 2016 chỉ đạt 4,8 triệu tấn với kim ngạch 2,1 tỷ USD. Đây là con số không đạt mục tiêu so với kế hoạch đề ra là 5,4 triệu tấn/năm và giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm 2015 và các năm trước đó.

Cụ thể, lượng gạo xuất khẩu năm 2016 giảm 1,8 triệu tấn so với thành tích xuất khẩu gạo năm 2015 và năm 2013 (cùng đạt mức 6,6 triệu tấn); giảm 1,5 triệu tấn so với năm 2014 (6,3 triệu tấn).

Song song với việc giảm xuất khẩu về lượng, kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2016 cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2015 và những năm trước. Trong đó, giảm 700 triệu USD so với kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2015 (2,8 tỷ USD); giảm 800 triệu so với năm 2014 và năm 2013 (đều đạt được 2,9 tỷ USD).


Xuất khẩu gạo năm 2016 sụt giảm mạnh gần 2 triệu tấn, không đạt mục tiêu đề ra

Xuất khẩu gạo năm 2016 sụt giảm mạnh gần 2 triệu tấn, không đạt mục tiêu đề ra

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, sự suy giảm mạnh về xuất khẩu gạo cả năm nay là do xuất khẩu từ các thị trường như Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia (là những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam) những năm qua suy giảm nghiêm trọng cả về lượng và trị giá.

Cụ thể, lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2015 sang Trung Quốc đạt 2,1 triệu tấn, sang Philippines đạt 1,1 triệu tấn.

Trong khi đó, lượng gạo Việt xuất khẩu sang hai thị trường trọng điểm trên năm 2016 lần lượt chỉ là 1,7 triệu tấn (với thị trường Trung Quốc) và hơn 395.000 tấn (với thị trường Philippines). Như vậy, lượng giảm lần lượt 400.000 tấn ở thị trường Trung Quốc và hơn 600.000 tấn ở thị trường Philippines.

Tại các thị trường khác như Malaysia, Indonesia, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm mạnh, năm 2016 xuất khẩu gạo sang Indonesia chỉ đạt hơn 324.000 tấn, giảm hơn 60% so với lượng xuất khẩu cùng kỳ năm trước. Cũng đà giảm như vậy, xuất khẩu gạo Việt sang Malaysia cũng chỉ đạt hơn 260.000 tấn, giảm 50% so với năm trước.

Cũng theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2016 trong khi chính sách xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam chậm thay đổi thì các đối thủ xuất khẩu gạo Việt Nam đã chuyển mình nhanh chóng. Cụ thể, Thái Lan đã tuyên bố xả hết kho gạo dự trữ để xuất khẩu; Ấn độ đã chiếm được nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo với chính phủ các nước lớn như Trung Quốc, Philippines cùng nhiều nước Trung Đông và Châu Phi. Lợi thế giá gạo rẻ, chất lượng tốt của Ấn Độ tiếp tục trở thành áp lực lớn đối với các nước xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam, Thái Lan.

Theo chuyên gia lúa gạo, GS Võ Tòng Xuân, Đại học Cần Thơ cho hay: Cạnh tranh về lúa gạo xuất khẩu trên thị trường quốc tế đang rất toàn diện từ sản lượng, chất lượng đến thuơng hiệu trên thị trường. Ngoài các nước xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, gần đây nổi lên có nhiều nước gia nhập nhóm các nước xuất khẩu gạo mạnh như Campuchia, Lào, Myanmar... Đây là những đối thủ mới, có gạo chất lượng và việc làm thương hiệu rất tốt.

Thực tế, thời gian qua, gạo Việt Nam xuất khẩu lớn trên bản đồ gạo thế giới là do có sự can thiệp của Nhà nước trong các hiệp định xuất khẩu gạo với các quốc gia. Tuy nhiên, khi thị trường có nhiều đối tác xuất khẩu thì trao đổi thuơng mại ngày càng nhấn mạnh vào yếu tố đàm phán, đấu thầu và xuất khẩu giữa các thuơng nhân với nhau.

Nguyễn Tuyền