Năm 2020, buộc giảm 50% tỷ lệ doanh nghiệp phải "lót tay"

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hàn Chương trình Hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN) theo hướng đưa các mục tiêu cắt giảm rào cản kinh doanh thực chất và có đo đếm định lượng các chỉ số; giao chỉ tiêu cho từng Bộ, ngành và địa phương.

Đánh giá về tình hình hiện nay, Chính phủ thừa nhận nhiều Nghị quyết của Chính phủ về cắt giảm, thuận lợi hóa kinh doanh đã góp phần giảm gánh nặng chi phí kinh doanh và chi phí tuân thủ pháp luật cho DN. Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập vẫn còn và cần tiếp tục cắt giảm chi phí nhiều hơn nữa.


Lót tay, chi phí dưới gầm bàn hay chi phí không chính thức là các khái niệm chỉ tình trạng nhũng nhiễu khiến tổn hại đến chi phí, thời gian của doanh nghiệp

"Lót tay", "chi phí dưới gầm bàn" hay "chi phí không chính thức" là các khái niệm chỉ tình trạng nhũng nhiễu khiến tổn hại đến chi phí, thời gian của doanh nghiệp

Mục tiêu của Chương trình hành động trên của Chính phủ, năm 2020 phải cắt giảm, đơn giản hóa quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, nộp thuế và bảo hiểm xã hội để đạt điểm số trung bình ASEAN 4 theo Chỉ số Môi trường kinh doanh (Doing Business) mà Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra.

Chính phủ nhìn nhận thẳng thắn: Năm 2020, phải giảm một nửa tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng họ phải chi trả chi phí không chính thức dựa theo kết quả khảo sát PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) đến năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố.

"Các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường thanh tra, kiểm tra kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp", Thủ tướng yêu cầu.

Cũng năm này, Chính phủ yêu cầu các chi phí thuế và bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp theo Chỉ số Môi trường kinh doanh giảm xuống mức trung bình ASEAN 4.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm việc cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chuẩn theo hướng không quy định các nội dung có tính chất điều kiện kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT sửa Luật Đầu tư theo hướng làm rõ khái niệm, nội hàm của "điều kiện kinh doanh" để làm cơ sở đánh giá, theo dõi thực hiện.

Bộ Tài chính đôn đốc các Bộ, ngành thực hiện Một cửa quốc gia và Một cửa ASEAN, 6 tháng định kỳ báo cáo Thủ tướng về tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ này khẩn trương thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối điện tử giữa trạm thu phí và cơ quan thuế.

Đối với Bộ GTVT, Chính phủ yêu cầu rà soát các hợp đồng BOT giao thông, đàm phán với nhà đầu tư để giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các dự án do họ đầu tư và các tổ chức tín dụng tài trợ cho dự án trên cơ sở hài hòa lợi ích các bên.

An Linh

Năm 2020, buộc giảm 50% tỷ lệ doanh nghiệp phải "lót tay" - 2