Mỹ - Úc xưa rồi, dân sành phải ăn hoa quả Nhật - Hàn
Chán các loại hoa quả nhập ngoại từ Mỹ, Úc, gần đây, giới nhà giàu Việt dần chuyển sang mua các loại hoa quả nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc dù những loại quả này có giá cao gấp đôi, thậm chí gấp cả 5-6 lần hoa quả cùng loại có xuất xứ từ Mỹ, Úc.
Bỏ chục triệu/tháng ăn hoa quả Nhật - Hàn
Tranh thủ giờ nghỉ giải lao buổi trưa ở cơ quan, chị Đặng Phương Dung ở Trung Hòa - Nhân Chính (Cầu Giấy, Hà Nội) vơ vội điện thoại gọi cho cửa hàng hoa quả nhập khẩu, nhắc họ giao đúng mấy loại hoa quả Nhật Bản, Hàn Quốc chị đặt mua từ hôm trước do trong tủ lạnh ở nhà đã hết nhẵn.
Mấy năm nay, chị Dung đã bỏ thói quen mua hoa quả ngoài chợ, chuyển qua mua các loại táo, nho, cam, quýt của Mỹ và Úc bởi độ ngon, an toàn. Giá của chúng thường dao động từ 120.000-350.000 đồng/kg, tùy loại và tùy vào thời điểm.
Thế nhưng, nhiều khi chị cảm tưởng như mua phải hàng Trung Quốc đội lốt hàng Mỹ, Úc,... vì thỉnh thoảng cùng một lần mua, chị lại thấy chất lượng không đồng đều nhau.
“Tầm 4 tháng nay, thấy các cửa hàng bán thêm lê, nho, quýt, chanh, hồng giòn,... nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản nên tôi chuyển qua loại này, thay thế các loại quả nhập ngoại của Mỹ, Úc”, chị Dung. Bản thân chị cũng đã ăn thử hoa quả của Nhât, Hàn thấy chất lượng khá ổn, tuy nhiên, giá lại cao gấp đôi, gấp 3 lần, thậm chí gấp cả 5-6 lần hoa quả hoa quả Mỹ, Úc cùng loại có bán trên thị trường.
Ví như giá quýt của Úc chỉ 160.000 đồng/kg nhưng quýt Hàn Quốc là 420.000 đồng/kg, hay nho xanh không hạt Mỹ chỉ 260.000 đồng/kg trong khi nho xanh không hạt Nhật Bản giá lên tới 1,3 triệu đồng/kg,...
“Trung bình nhà tôi ăn hết 1 kg hoa quả một ngày, tính ra một tháng tôi phải chi 10-12 triệu để mua các loại hoa quả này chứ không ít. Nhưng về chất lượng thì tôi tin tưởng tuyệt đối, bởi họ có quy trình trồng và chăm sóc rất khắt khe”, chị Dung nhận xét.
Tương tự, thời gian gần đây chị Trịnh Thị Lan ở Đào Tấn (Ba Đình, Hà Nội) cũng tin dùng các loại hoa quả có xuất xứ từ Nhật, Hàn.
Theo chị Lan, cách đây gần 1 năm, chị thường mua các loại hoa quả nhập từ Mỹ, Úc, Newzeland,... nhưng giờ chuyển sang ưu tiên các loại táo, lê, quýt, hồng, nho của Nhật và Hàn do ăn cực ngon và có vị rất riêng. Những loại quả mà Nhật, Hàn không có thì chị mới mua của Mỹ, Úc,...
“Mỗi tuần tôi đặt mua vài ký hoa quả Nhật, Hàn để bỏ tủ lạnh ăn cả tuần. Thế nên, mỗi tháng cũng hết 7-8 triệu tiền hoa quả. Song, cả nhà ai cũng thích nên tôi mua đều đặn hàng tuần”, chị chia sẻ.
Các loại hoa quả của Nhật bản và Hàn Quốc có giá khá đắt đỏ, nhiều loại còn đắt gấp 5-6 lần hàng Mỹ, Úc
Đắt như tôm tươi
Trên thị trường hiện có khá nhiều loại hoa quả có xuất xứ từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Đơn cử như: Nho xanh, nho đỏ, nho đen, lê, hồng giòn, cam, quýt, chanh, dâu tây,... có giá bán dao động từ 350.000-500.000 đồng/kg, thậm chí, một số loại còn lên tới 700.000-1,3 triệu đồng/kg.
Trao đổi với PV. VietNamNet, anh Nguyễn Văn Đăng, chủ cửa hàng hoa quả sạch trên đường Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, cửa hàng đã nhập hoa quả Nhật Bản, Hàn Quốc mấy năm nay, nhưng chỉ hạn chế khoảng 2-3 loại. Tuy nhiên, 1 năm trở lại đây, các loại hoa quả nhập từ hai nước này về ngày càng nhiều.
“Hoa quả thường có theo mùa, và thường vào mùa thì mới nhập về bán. Thời điểm hiện tại cửa hàng đang bán thường xuyên 8 loại hoa quả của Hàn và Nhật”. Anh Đăng nói thêm, mỗi ngày anh bán ra cả tạ; ngày rằm, mùng 1 đầu tháng thì lên đến vài tạ loại quả này.
“Mọi người chọn mua đa phần vì chất lượng của chúng, vì tin tưởng vào công nghệ trồng và chăm bón của hai nước này”, anh Đặng cho hay.
Thừa nhận, chị Đoàn Thị Trâm, chủ shop hoa quả nhập khẩu trên đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy) cũng cho biết, phần lớn mọi người bỏ cả chục triệu đồng mua hoa quả nhập khẩu từ Hàn Quốc và Nhật Bản là vì chất lượng quả ngon.
“Nhưng phải nói thật rằng, không ít người chọn mua theo phong trào, xem phim Hàn Quốc và Nhật Bản nhiều, thấy trong phim diễn viên họ ăn gì cũng tìm mua thử về ăn dù giá của chúng khá đắt đỏ”, chị Trâm chia sẻ.
Theo chị Trâm, dân giàu đang chuộng các loại của Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng hàng không có nhiều nên khách mua thường phải đặt hàng, có loại phải chờ 3-5 ngày sau mới có.
Theo Như Băng
VietnamNet