Nếu Mỹ vỡ nợ...
(Dân trí) - Tổ chức đánh giá tín dụng Moody's cảnh báo rằng 2 triệu việc làm có thể bị mất đi nếu Mỹ vỡ nợ. Liệu còn điều gì xảy ra, dưới góc độ kinh tế?
Các nhà kinh tế đang ngày càng lo ngại rằng nước Mỹ có khả năng tạo ra bất ổn mới trong những tuần tới khi nước này chạm trần nợ công, không thể thanh toán tất cả khoản nợ và do đó có thể vỡ nợ.
Trần nợ công là mức trần pháp lý về số tiền tối đa mà chính phủ Mỹ được phép vay để thanh toán các khoản nợ và chi tiêu. Trần nợ công của Mỹ hiện ở mức 31.400 tỷ USD.
Điều gì xảy ra nếu Mỹ vỡ nợ?
Nếu vỡ nợ, Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn, từ việc trì hoãn thanh toán cho người hưởng phúc lợi an sinh xã hội, các nhà cung cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe cho đến vỡ nợ đối với các khoản nợ của chính phủ. Dù như thế nào, các nhà phân tích tin rằng một cuộc khủng hoảng chính trị, tài chính và kinh tế sẽ là điều khó tránh khỏi.
Nathan Sheets - nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Citigroup, cho biết: "Tình trạng hiện tại đang khuếch đại tất cả mối quan tâm khác của mọi người. Họ đang trở nên lo lắng hơn về loại rủi ro này. Lần cuối cùng Mỹ suýt chạm trần nợ công là năm 2011".
Trong khi đó, Michael Feroli - nhà kinh tế trưởng của ngân hàng JPMorgan Chase, nói rằng theo một số cách, đặc biệt là với tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn, nền kinh tế Mỹ hiện đã mạnh hơn.
Tuy nhiên, theo ông, việc chạm trần nợ công vẫn sẽ là một cú sốc gây bất ổn. "Nếu đang bị cúm, bạn chắc chắc không muốn gặp phải điều gì tồi tệ hơn, ví dụ như bị xe buýt đâm. Ngay cả khi nền kinh tế hiện tại có phần khác so với năm 2011 thì vỡ nợ cũng sẽ là tình huống tồi tệ", ông nói.
Tờ Financial Times cho rằng ngay cả một vụ vỡ nợ được khắc phục nhanh chóng cũng có thể dẫn đến sự sụt giảm mạnh về tăng trưởng. Các nhà kinh tế của tổ chức đánh giá tín dụng Moody's cảnh báo 2 triệu việc làm có thể bị mất đi trong kịch bản như vậy. Còn các nhà kinh tế tại Viện Brookings - viện nghiên cứu chính sách của Washington, cảnh báo trong một báo cáo gần đây rằng sự bế tắc dù ngắn hạn cũng dẫn đến "thiệt hại lâu dài".
Với nhiều rủi ro, các nhà phân tích đã bắt đầu cảnh báo cho khách hàng. 2 chuyên gia Evan Brown và Luke Kawa của ngân hàng Thụy Sĩ UBS, cho biết bất kỳ khoản nợ không trả được của Mỹ sẽ tạo thành "cuộc khủng hoảng tài chính lớn".
Một số nhà phân tích của Bank of America nhận định việc vỡ nợ "sẽ làm giảm sức hấp dẫn của đồng USD với tư cách là một phương tiện lưu trữ giá trị".
Quan ngại ngày càng sâu sắc
Về phần mình, các nhà đầu tư ở Phố Wall đã có hành động để tự bảo vệ trước cú sốc kinh tế chưa từng có là nước Mỹ có thể vỡ nợ. Thị trường chứng khoán Mỹ hầu như vẫn bình lặng bất chấp sự bế tắc ở Washington về việc tăng trần nợ công. Tuy nhiên, giá của các hợp đồng hoán đổi nợ xấu (cho phép các nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro đối với trái phiếu kho bạc Mỹ) đã tăng vọt trong những ngày gần đây.
Theo John Canavan - nhà phân tích hàng đầu của công ty tư vấn Oxford Economics, đó là tín hiệu cho thấy nhiều nhà đầu tư không thấy được giải pháp nào khả dĩ hơn trong trường hợp này.
Trong một dấu hiệu khác cho thấy mối lo ngại ngày càng gia tăng trong giới tài chính, những người tham gia thị trường cũng đang bán phá giá tín phiếu kho bạc và các khoản đầu tư có thu nhập cố định khác đáo hạn vào tháng 6 và tháng 7 tới.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen dự báo thời điểm chính phủ Mỹ có thể cạn tiền và không thể thanh toán các nghĩa vụ nợ vào ngày 1/6 dù thời điểm thực tế có thể muộn hơn.
Một số khoản thanh toán lớn được lên kế hoạch vào đầu tháng 6 là 47 tỷ USD cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, 12 tỷ USD cho trợ cấp cựu chiến binh, 25 tỷ USD cho an sinh xã hội vào các ngày 2/6 và 14/6.
Theo CBS News, về mặt kỹ thuật, Mỹ đã chạm trần nợ công từ tháng 1 năm nay. Do đó, Bộ tài chính Mỹ buộc phải sử dụng nhiều biện pháp đặc biệt để có thể tiếp tục trang trải các hoạt động của chính phủ. Mặc dù vậy, đó chỉ là các biện pháp giúp Mỹ trì hoãn thời gian trước khi thực sự cạn kiệt các nguồn tài chính.
Ngày 8/5, các nhà phân tích của UBS cho biết trong một ghi chú: "Việc Mỹ vỡ nợ sẽ là sự kiện có thể châm ngòi cho việc bán tháo cổ phiếu. Vì chưa có tiền lệ nên mức độ suy giảm của thị trường rất khó ước tính nhưng chúng tôi cho rằng nó sẽ không nhỏ".
Mark Zandi - nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics (công ty con của Moody's), nhận định: "Khi Mỹ vỡ nợ, chi phí đi vay sẽ tăng lên và khả năng cung cấp khoản vay sẽ giảm đi. Điều này khiến việc vay cá nhân, vay mua ô tô hay thế chấp trở nên tốn kém và khó khăn hơn".
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo về "những hậu quả rất nghiêm trọng" đối với Mỹ và nền kinh tế toàn cầu nếu quốc gia này vỡ nợ. Julie Kozack - người phát ngôn của IMF, cho biết những hậu quả tiềm tàng từ việc Mỹ vỡ nợ sẽ bao gồm lãi suất cao hơn và sự bất ổn lớn hơn. Theo bà Kozack, điều đó sẽ làm tăng thêm những cú sốc trong vài năm qua, bao gồm đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine.