1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Mỹ: Nga đang hụt thu từ dầu vì cơ chế giá trần

Nhật Linh

(Dân trí) - Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết, doanh thu từ dầu của Nga đang giảm mạnh do cơ chế giá trần mà phương Tây áp đặt đối với các chuyến hàng dầu thô của nước này.

Nhóm các nước G7, Australia và Liên minh châu Âu cũng sắp sửa mở rộng lệnh trừng phạt Nga bằng cách áp giá trần đối với các sản phẩm tinh chế dầu của nước này như xăng và diesel kể từ ngày 5/2. Trước đó, vào ngày 5/12/2022, nhóm này đã áp giới hạn giá đối với dầu thô của Nga vận chuyển bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng.

Mỹ: Nga đang hụt thu từ dầu vì cơ chế giá trần - 1

Hiện dầu Urals của Nga giao cho châu Âu được báo giá ở mức 53,43 USD/thùng, rẻ hơn nhiều so với mức 82,67 USD/thùng của dầu Brent (Ảnh: Bloomberg).

Nói với báo giới mới đây, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Nga đang mất một khoản tiền lớn mỗi ngày vì mức giá trần.

Quan chức này không ước tính mức tổn thất doanh thu từ dầu thô của Nga song cho biết cơ chế giá trần đã làm tăng chi phí vận chuyển đối với một số lô hàng dầu Nga. Vì cơ chế này sẽ buộc các nước mua dầu Nga trên mức giá trần phải tìm đến các đội tàu "đen" và sử dụng dịch vụ bảo hiểm "kém tin cậy" hơn.

Các quan chức Mỹ cũng cho rằng, cơ chế giá trần đang "thể chế hóa" việc giảm giá đối với dầu Nga mà các quốc gia tiêu thụ xăng dầu lớn như Ấn Độ và Trung Quốc đang theo đuổi.

Theo Reuters, Bộ Tài chính Mỹ cũng đang xem xét mức chênh lệch ngày càng lớn giữa dầu Nga và dầu Brent chuẩn quốc tế để đánh giá một phần của bức tranh doanh thu từ dầu của Nga đang bị ảnh hưởng ra sao.

Hiện dầu Urals của Nga giao cho châu Âu được báo giá ở mức 53,43 USD/thùng, rẻ hơn nhiều so với mức 82,67 USD/thùng của dầu Brent.

Dự báo về tác động của cơ chế giá trần mới áp dụng đối với các sản phẩm dầu Nga có hiệu lực từ ngày 5/2 tới, một trung tâm nghiên cứu Phần Lan cho biết, Nga có thể hụt thu khoảng 300 triệu USD mỗi ngày.

Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) có trụ sở tại Helsinki (Phần Lan) cho rằng lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga của châu Âu hiện nay cùng với cơ chế giá trần đang khiến Điện Kremlin thiệt hại khoảng 172 triệu USD mỗi ngày.

Theo CREA, thu nhập từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga đã giảm 17% trong tháng 12, đánh dấu mức thấp nhất kể từ khi nước này đưa quân sang Ukraine vào mùa xuân năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak lại khẳng định, các nhà sản xuất dầu ở nước này không gặp khó khăn trong việc đảm bảo các thỏa thuận xuất khẩu, bất chấp các lệnh trừng phạt và giá trần của phương Tây. Tuy nhiên, ông Novak cũng thừa nhận các vấn đề chính đối với dầu Nga lúc này là mức chiết khấu cao so với dầu tiêu chuẩn quốc tế và chi phí vận chuyển tăng lên.

Bình luận về những thiệt hại có thể xảy ra do việc áp giá trần, Điện Kremlin cho biết, họ chưa thấy bất kỳ trường hợp giá trần nào mà phương Tây áp đặt đối với dầu Nga vào tháng trước.

Tháng trước, nhằm đáp trả cơ chế giá trần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh cấm cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu cho các quốc gia tuân thủ mức giá trần trong 5 tháng kể từ ngày 1/2.

Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga sẽ làm mọi thứ để bảo vệ mình trước kế hoạch áp đặt giá trần của G7 đối với cả dầu thô lẫn các sản phẩm tinh chế dầu của họ.

Theo Reuters, OilPrice

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm