1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Mỹ kiện chống lẩn tránh thuế, các "ông lớn" ngành thép bị tác động ra sao?

(Dân trí) - Mặc dù được đánh giá là sẽ không tác động nhiều nhưng thông tin trên đã phần nào ảnh hưởng tới 2 ông lớn ngành thép trên sàn chứng khoán. Cổ phiếu của Hoa Sen đã có 4 phiên giảm liên tiếp trong khi cổ phiếu của Hoà Phát giảm 6 phiên liên tiếp.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Mới đây, một số doanh nghiệp của Mỹ đã nộp đơn kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tới Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đối với các sản phẩm thép cán nguội (CRC) và tôn mạ từ Việt Nam đến các thị trường này.

Nguyên nhân là do các doanh nghiệp Mỹ nghi ngờ rằng các doanh nghiệp Trung Quốc đã xuất khẩu các mặt hàng thép cán nóng qua Việt Nam gia công thành thép cán nguội và tôn mạ thành phẩm rồi xuất đi Mỹ để tránh thuế chống bán phá giá.

Vì vậy, các nguyên đơn đã yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ tiến hành điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam và những sản phẩm này phải được áp thuế bằng với mức thuế chống bán phá giá cho các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc.

Trước đó, DOC đã áp thuế chống bán phá giá 265,79% và thuế chống trợ cấp 256,44% đối với các sản phẩm thép cán nguội Trung Quốc, áp thuế CBPG 199,43% và thuế CTC 39,95%- 256,44% cho các sản phẩm tôn mạ. US DOC sẽ xem xét và đưa ra quyết định có khởi xướng điều tra hay không trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn và ban hành quyết định cuối cùng trong vòng 300 ngày.

Trong một báo cáo do Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) dẫn thông tin từ lãnh đạo HSG cho hay, việc điều tra chống lẩn tránh thuế trên chủ yếu tập trung vào hai doanh nghiệp đang nhập thép cán nóng từ Trung Quốc và sản xuất thành thép cán nguội và tôn mạ thành phẩm rồi xuất sang Mỹ là CTCP China Steel Sumikin Vietnam (CSVC) và Tập đoàn Posco Việt Nam.

Theo VPBS, mặc dù HSG nhập khẩu thép cán nóng từ Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, công ty phải thực hiện nhiều công đoạn để sản xuất tôn mạ thành phẩm trước khi xuất qua Mỹ. Vì vậy, chưa có bằng chứng rõ ràng rằng tôn mạ HSG sẽ bị áp thuế chống bán phá giá như các doanh nghiệp sản xuất thép khác đang tránh thuế chống bán phá giá.

VPBS cũng không loại trừ trường hợp xấu nhất HSG bị áp mức thuế chống bán phá giá cao nhất tại Mỹ, mức thuế. Tuy nhiên, cho rằng, việc áp thuế này sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu của HSG do công ty có khả năng chuyển sang thị trường xuất khẩu khác.

Trong khi đó với Hoà Phát, VPBS cho rằng, các mức thuế chống bán phá giá này không ảnh hưởng đến Tập đoàn này do sản phẩm xuất khẩu chính của HPG là thép dài và thép ống.

Tuy nhiên, theo VPBS, trong dài hạn hai doanh nghiệp này có thể bị ảnh hưởng do những nước nhập khẩu thép từ Việt Nam sẽ lợi dụng lý do “chống tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp” để áp thuế lên các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.

Mặc dù được đánh giá là sẽ không tác động nhiều nhưng thông tin trên đã phần nào ảnh hưởng tới 2 ông lớn ngành thép trên sàn chứng khoán. Cổ phiếu của Hoa Sen đã có 4 phiên giảm liên tiếp trong khi cổ phiếu của Hoà Phát giảm 6 phiên liên tiếp.

Tương đương với, giá trị vốn hoá thị trường của Hoà Phát sụt giảm 3.200 tỷ đồng, còn Hoa Sen mất khoảng 668 tỷ đồng. Với lượng nắm giữ hơn 180 triệu cổ phiếu Hoà Phát, Chủ tịch Tập đoàn này là ông Trần Đình Long “mất" khoảng 700 tỷ đồng trong khi Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen - ông Lê Phước Vũ mất khoảng 88 tỷ đồng.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm