1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp Mỹ kiện thép Việt Nam do nghi xuất xứ Trung Quốc

(Dân trí) - Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Hoa Kỳ đã nộp đơn kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (thép mạ) nhập khẩu từ Việt Nam.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Trước đó, ngày 23/6/2015, sau khi tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với cùng chủng loại sản phẩm trên có xuất xứ từ Trung Quốc và một số quốc gia/vùng lãnh thổ khác, Hoa Kỳ đã ban hành lệnh áp thuế với Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá là 199,43% và mức thuế chống trợ cấp là 241,43%.

Tuy nhiên, theo nguyên đơn bao gồm California Steel Industries và Steel Dynamics, Inc, sau khi Hoa Kỳ ban hành lệnh áp thuế, lượng xuất khẩu của Trung Quốc đối với sản phẩm này sang Hoa Kỳ giảm đi rõ rệt nhưng lượng xuất khẩu sản phẩm này từ Việt Nam sang Hoa Kỳ lại tăng đột biến.

Do đó, nguyên đơn yêu cầu DOC khởi xướng điều tra và hoãn việc thanh khoản các chuyến hàng nhập khẩu sản phẩm thép mạ từ Việt Nam và yêu cầu khoản tiền đặt cọc với các chuyến hàng này ở mức bằng với mức thuế AD và CVD đối với sản phẩm từ Trung Quốc.

Căn cứ theo quy định của Hoa Kỳ, DOC sẽ xem xét và đưa ra quyết định có khởi xướng điều tra hay không trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn (dự kiến ngày 22/10/2016) và ban hành quyết định cuối cùng trong vòng 300 ngày.

Theo quy định của Hoa Kỳ, để bổ sung sản phẩm của nước thứ ba vào lệnh áp thuế hiện hành (điều tra lẩn tránh thuế AD/CVD), DOC cần phải xem xét các yếu tố, trong đó có việc trước khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ, sản phẩm này đã được hoàn thiện hoặc gia công từ sản phẩm sản xuất ở nước bị áp thuế và quá trình gia công hoặc hoàn thiện ở nước thứ ba là “nhỏ hoặc không đáng kể”.

Cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét yếu tố về trị giá của hàng sản xuất ở nước bị áp thuế “chiếm phần lớn tổng trị giá của sản phẩm được xuất khẩu sang Hoa Kỳ” để quyết định rằng việc điều tra là cần thiết để tránh việc lẩn tránh.

Ngoài ra, DOC cũng phải xem xét các yếu tố: xu hướng thương mại; liệu nhà sản xuất/xuất khẩu nguyên liệu đầu vào có liên kết với bên ở nước thứ 3 là bên sử dụng các nguyên liệu này để gia công/hoàn thiện sản phẩm nhập khẩu vào Hoa Kỳ hay không và liệu nước bị áp thuế có tăng xuất khẩu nguyên liệu đầu vào sang nước thứ 3 sau khi DOC khởi xướng điều tra và áp thuế hay không.

Bên cạnh đó, để quyết định liệu quá trình gia công hoặc hoàn thiện có phải là “nhỏ hoặc không đáng kể” hay không, DOC phải xem xét: mức độ đầu tư, nghiên cứu và phát triển, bản chất của quy trình sản xuất, mức độ cơ sở sản xuất ở nước thứ 3...

Hồi tháng 7 vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Pháp dẫn thông tin từ Cơ quan chống gian lận thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) cho biết, Hải quan Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ba Lan trong thời gian qua ghi nhận một số lượng lớn các sản phẩm thép cuộn phủ sơn nhập khẩu từ Việt Nam có dấu hiệu gian lận thương mại.

OLAF nghi ngờ khả năng có doanh nghiệp Trung Quốc bán thép vào Việt Nam rồi để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU dùng C/O Việt Nam để tránh thuế chống bán phá giá. Nếu nghi ngờ này được xác minh, OLAP sẽ kiến nghị Hải quan các nước nhập khẩu truy thu thuế chống bán phá giá (58%) mà EU đang áp dụng đối với thép Trung Quốc.

Theo thống kê đã có khoảng 190 chuyến hàng thép cuộn phủ sơn hoặc được xếp lên tàu tại các cảng của Việt Nam hoặc mang theo Giấy C/O Việt Nam do VCCI cấp đã được nhập khẩu vào EU trong giai đoạn 2013 – 2014. Tổng trị giá các chuyến hàng khoảng 19 triệu USD.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm