Nhập khẩu thép từ Trung Quốc tăng đột biến

(Dân trí) - Thị trường cung cấp sắt thép chính cho các doanh nghiệp Việt Nam trong 7 tháng năm 2016 vẫn là Trung Quốc, chiếm 59% về lượng và 56% về kim ngạch. Sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc trong 7 tháng tiếp tục tăng 31% về lượng và tăng 3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá nhập khẩu sắt thép tiếp tục tăng tháng thứ 4 liên tiếp. Cụ thể, giá sắt thép tháng 8/2016 tăng 2,4% so với tháng trước nhưng giảm 7,37% so với tháng 8/2015.

Theo thống kê sơ bộ, lượng và kim ngạch sắt thép nhập khẩu tháng 8/2016 tăng trở lại đưa tổng kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2016 ước đạt 12,6 triệu tấn và kim ngạch 5,26 tỷ USD, tăng 27,3% về lượng và tăng 2,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường cung cấp sắt thép chính cho các doanh nghiệp trong 7 tháng năm 2016 vẫn là Trung Quốc, chiếm 59% về lượng và 56% về kim ngạch. Sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc trong 7 tháng tiếp tục tăng 31% về lượng và tăng 3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Trong số các thị trường nhập khẩu, Nga là thị trường có mức tăng mạnh về lượng và kim ngạch. Nga cũng chính thức trở thành thị trường cung cấp chính thứ 5, sau Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

"4 thị trường gồm Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cũng chỉ chiếm 38% về lượng và 39% về kim ngạch. Do đó, diễn biến giá sắt thép nhập khẩu chung chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ diễn biến giá nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc", Bộ Công Thương cho biết.

Cũng theo số liệu từ Bộ Công Thương, so với tháng trước, giá nhập khẩu từ 3 thị trường chính Trung Quốc, Nhật Bản và Nga tiếp tục tăng thêm lần lượt là 1,43%, 1,78% và 2,4%. So với cùng kỳ năm trước, giá nhập khẩu từ Trung Quốc giảm ít nhất với 17,22% do giá nhập khẩu những tháng gần đây tăng, từ Nhật Bản giảm 18,3%, từ Nga giảm 28,83%.

Hai thị trường cung cấp chính sắt thép là Hàn Quốc, Đài Loan giá giảm lần lượt là 21,1% à 12,45%.

Trên thị trường toàn cầu, sản lượng thép thô giảm hầu hết các khu vực trong tháng 6 và so với năm trước với sức giảm mạnh nhất nhận thấy ở EU và Nam Mỹ. Sản lượng tăng hơn ở Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản giúp sản lượng của châu Á tăng so với tháng 5. Nhìn chúng, sản lượng thép thô của 66 quốc gia báo cáo với hội thép Thế giới, đạt 135,7 triệu tấn trong tháng 6, giảm 2,5% vơi với tháng 5.

Mức sử dụng công suất là 69,4% giảm so với tháng 5 và với mức 71,3 của tháng 5 và giảm 3,3% so với tháng 6/2015. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 2 mức sử dụng công suất giảm dưới 70%. Điều này có thể xuất phát từ nguyên nhân sự sụt giảm trong mùa hè ở nhiều khu vực.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sản xuất 339,5 triệu tấn trong nửa đầu năm, chỉ giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm ít hơn so với dự đoán. Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc xuất khẩu lượng lớn thép sản xuất được so với cùng kỳ năm trước, với 57,2 triệu tấn thép thành phẩm tương đương 14% của gần 400 triệu tấn thép thô nước này sản xuất trong 6 tháng đầu năm, so với 52,3 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2015.

"Như vậy Trung Quốc đang sản xuất ít hơn nhưng xuất khẩu nhiều hơn", Bộ Công Thương đánh giá.

Phương Dung