1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Mỹ cảnh giác với đồ chơi từ Trung Quốc

(Dân trí) - Tính trung bình từ đầu năm đến nay, cứ 24 đồ chơi bị thu hồi tại Mỹ vì lý so an toàn thì có một sản phẩm của Trung Quốc. Việc này dẫn đến thái độ cảnh giác của các bậc cha mẹ, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng và giới cầm quyền.

Vụ thu hồi gần đây nhất, được thông báo vào cuối tuần trước, liên quan đến 1,5 triệu bộ đồ chơi tàu hỏa bằng gỗ mang tên “Thomas và Những người bạn” (Thomas and Friends) rất được trẻ em yêu thích. Con số trên tương đương với khoảng 4% tổng số sản phẩm đã tiêu thụ trên thị trường Mỹ trong vòng 2 năm qua. Bộ đồ chơi bị thu hồi do lớp sơn bên ngoài sản phẩm, được thực hiện tại một nhà máy ở Trung Quốc, có chứa chì.

 

Người phát ngôn của công ty RC2 ở tiểu bang Illinois, Mỹ, nhà cung cấp bộ tàu hỏa “Thomas và Những người bạn”, đã từ chối bình luận về sự cố này.

 

Mới tháng trước, một loại đồ chơi khác mang tên Nhãn cầu nổi (Floating Eyeballs) sản xuất tại Trung Quốc đã bị thu hồi sau khi cơ quan quản lý phát hiện bên trong sản phẩm là kerosene - một loại dầu mỏ. Nhiều bộ trống và gấu đồ chơi cũng đã bị thu hồi do sơn có chứa chì và sản phẩm lúc lắc dành cho trẻ sơ sinh bị thu hồi vì có thể gây ngạt cho trẻ.

 

Cùng với hàng loạt các vụ bê bối gần đây ở nhiều nước trên thế giới liên quan đến thức ăn chăn nuôi, dược phẩm và kem đánh răng do Trung Quốc sản xuất, việc đồ chơi của nước này liên tiếp bị thu hồi tại Mỹ đã khiến cơ quan chức năng và các nhà nhập khẩu Mỹ đứng trước sức ép tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn đối với sản phẩm đồ chơi dành cho trẻ em. Chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang “đau đầu” với vấn đề này.

 

Tổng số sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc bị Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Mỹ (CPSC) tuyên bố phải thu hồi đã tăng gần đôi trong vòng 5 năm trở lại đây, đưa tổng số vụ thu hồi sản phẩm tại Mỹ lên mức kỷ lục. Theo thống kê, Trung Quốc hiện phải chịu trách nhiệm với khoảng 60% tổng số vụ thu hồi sản phẩm tại Mỹ, so với tỷ lệ 36% của năm 2000.

 

Các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng tại Mỹ cho rằng các công ty nhập khẩu phải có trách nhiệm đối với vấn đề an toàn của sản phẩm. Nếu không đáp ứng các quy định về an toàn, việc kinh doanh của chính họ sẽ bị ảnh hưởng.

 

CPSC cho rằng cần tăng cường các biện pháp ngăn chặn việc nhập khẩu đồ chơi và các sản phẩm khác không an toàn từ Trung Quốc, và CPSC đang nỗ lực giải quyết vấn đề này.

 

Một số ý kiến lại cho rằng công tác quản lý của Mỹ hiện đang diễn biến theo chiều hướng ngược lại, khi mà đội ngũ nhân viên của CPSC đã bị cắt giảm hơn 10% trong vài năm trở lại đây, nên chỉ còn lại rất ít chuyên gia giám sát chất lượng, trong khi lượng hàng nhập khẩu đang ngày một tăng.

 

Tỷ lệ góp mặt của Trung Quốc trong tổng số vụ thu hồi sản phẩm tăng tỷ lệ thuận với tỷ lệ hàng Trung Quốc trên thị trường Mỹ. Theo số liệu của Hiệp hội đồ chơi Mỹ, đồ chơi Trung Quốc chiếm 70-80% tổng số đồ chơi tiêu thụ trên toàn nước Mỹ.

 

Có một vấn đề là những sản phẩm đồ chơi giá rẻ và không có tên tuổi thường được bán tại các cửa hàng nhỏ và các quầy giảm giá lớn vì chúng thường được sản xuất và xuất sang Mỹ không thông qua các nhà nhập khẩu đồ chơi lớn của Mỹ.

 

Ngoài ra, Trung Quốc là nơi cung cấp 81% số hàng giả, hàng nhái bị tịch thu tại các cảng của Mỹ trong năm ngoái.

 

Tuy nhiên, trong vụ thu hồi bộ tàu hỏa gỗ “Thomas và Những người bạn”, sản phẩm được sản xuất cho công ty RC2 tại các nhà máy ở Trung Quốc, tức là RC2 phải có trách nhiệm kiểm soát chất lương sản phẩm.

 

Hai công nhân trực tiếp phụ trách việc phun sơn cho bộ tàu hỏa này tại một trong nhiều nhà máy của RC2 tại Đông Quan, Trung Quốc, khẳng định là họ chỉ làm công việc của mình mà không biết loại sơn mà họ sử dụng có chứa chì không.

 

Họ cho rằng loại sơn này là sản phẩm của một công ty cũng nằm trong khu liên hợp sản xuất đồ chơi của RC2.

 

Hiện vẫn chưa biết chính xác ai là người điều hành nhà máy Lập Thành này (Licheng Factory). Nhà máy đứng dưới tên RC2, nhưng trên website lại nói rằng nhà máy do các doanh nghiệp Trung Quốc điều hành.

 

Ông Scott Wolfson, người phát ngôn của CPSC không nói rõ RC2 đã phát hiện ra vấn đề này bao lâu rồi và lần đầu tiên thông báo cho các cơ quan chức năng là khi nào.

 

Ngành sản xuất và kinh doanh đồ chơi ở Mỹ chủ yếu hoạt động dưới hình thức tự quản lý và chịu trách nhiệm, vì CPSC chỉ có khoảng 100 thanh tra và cán bộ trên cả nước để tiến hành việc kiểm tra hàng hóa tại các cảng, kho bãi và cửa hàng. Chủng loại hàng hóa không chỉ có đồ chơi mà là tất cả các sản phẩm tiêu dùng.

 

Trong hầu hết các trường hợp, thông báo thu hồi sản phẩm là do công ty đồ chơi tự nguyện ban hành, dựa trên đơn thư khiếu nại và kết quả kiểm tra nội bộ.

 

Sau hàng loạt vụ thu hồi sản phẩm, Hiệp hội đồ chơi Mỹ đã yêu cầu các doanh nghiệp thành viên thường xuyên kiểm tra sản phẩm nhập khẩu nhằm đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn của liên bang.

 

Trong khi đó, người tiêu dùng tại Mỹ tỏ ra khá dè dặt và thận trọng khi chọn mua đồ chơi cho trẻ, vì họ băn khoăn không biết đâu là sản phẩm an toàn. Họ được khuyến cáo đăng ký sử dụng hệ thống cảnh báo tự động của CPSC để có thể nhận được thông tin về các sản phẩm đồ chơi bị thu hồi.

 

Tháng trước, bà Nancy Nord, Chủ tịch CPSC, đã sang Trung Quốc để gặp gỡ các đồng sự tại Trung Quốc tập trung bàn về vấn đề an toàn của các sản phẩm như đồ chơi, bật lửa, đồ điện tử và pháo hoa.

 

Đặng Lê

Theo IHT