Mỹ bóng gió rời bỏ TPP, FDI vào Việt Nam đã giảm nhanh trông thấy

(Dân trí) - Số vốn FDI tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2016 đã giảm sút khá mạnh so với tháng trước và cùng kỳ trước. Theo nhiều nhận định của chuyên gia kinh tế, việc FDI vào Việt Nam giảm là do tác động cả bên trong lẫn bên ngoài, đặc biệt hiệu ứng bầu cử Mỹ và việc nước này tuyên bố rút chân khỏi TPP.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, dù Mỹ không phải là nhà đầu tư số 1 quyết định luồng vốn FDI vào Việt Nam, nhưng do Mỹ là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam và quan hệ thương mại của Mỹ ảnh hưởng và điều phối quan hệ thương mại nhiều nước và nhà đầu tư lớn trên thế giới. Chính vì vậy, ảnh hưởng của bầu cử Tổng thống Mỹ và chính sách dưới thời ông Donal Trump sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.

Cụ thể, tháng 11/2016, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 762 triệu USD, giảm hơn 300 triệu USD so với tháng trước. Tổng vốn FDI trong 11 tháng qua đạt 18,1 tỷ USD, giảm hơn 2 tỷ USD so với cùng kỳ trong nước.

Vốn FDI vào Việt Nam giảm mạnh thời gian qua do nhiều dự án bị thu hồi và hiệu ứng từ việc Mỹ bỏ ngỏ kế hoạch thông qua TPP
Vốn FDI vào Việt Nam giảm mạnh thời gian qua do nhiều dự án bị thu hồi và hiệu ứng từ việc Mỹ bỏ ngỏ kế hoạch thông qua TPP

Đà suy giảm thấy rõ và tháng 11 là tháng có số vốn và dự án cấp mới giảm mạnh nhất trong năm 2016. Đây thực sự là thách thức đối với mục tiêu cả năm 2016, thu hút FDI phấn đấu đạt 23 tỷ USD, nếu để hoàn thành tháng 12/2016, ít nhất phải thu hút FDI đạt gần 5 tỷ USD, nhiệm vụ này dường như không thể thực hiện được.

Trên thực tế, để hoàn thành mục tiêu thu hút 23 tỷ USD vốn FDI, mỗi tháng số vốn cấp mới và tăng thêm phải đạt trung bình 1,9 tỷ USD/tháng, nhưng với con số thu hút được 18,1 tỷ USD 11 tháng qua, mỗi tháng Việt Nam chỉ thu hút trung bình 1,5 tỷ USD, xét trên số liệu thực tế, chỉ có tháng 1 và tháng 2/2016 thu hút FDI mới đạt và vượt mức con số trung bình trên, còn hầu hết các tháng sau này đều không đạt chỉ tiêu, thậm chí giảm chỉ còn vài trăm triệu USD.

Theo TS Lê Đăng Doanh, sở dĩ FDI giảm trước hết là do tác động của tình hình kinh tế và tài chính thế giới biến động với sự kiện Brexit, các nhu cầu trên thế giới về một số mặt hàng cũng giảm sút do đó các nhà đầu tư nước ngoài thận trọng hơn. Bên cạnh đó, Hiệp định TPP gặp khó khăn, sự kiện Brexit… đã và đang dẫn tới nguồn động lực cho FDI vào đầu tư tại Việt Nam cũng giảm đi trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài tác động của yếu tố nước ngoài như sự cố Anh rời EU (Brexit) và mới nhất là Mỹ có thể sẽ rút khỏi TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) giữa 12 quốc gia, trong đó Việt Nam được coi là được hưởng lợi nhiều nhất, yếu tố trong nước cũng được xem là tác động đối với FDI.

Cụ thể, năm 2016, Việt Nam thay đổi bộ máy Chính phủ, nhiều nhà đầu tư được nhận định "ngóng chờ" chính sách để xem có những thay đổi, bổ sung khác nhau.

Bên cạnh đó, nhiều dự án tỷ USD đã và đang chậm tiến độ, chiếm đất, giữ chỗ... bị các địa phương khai tử. Điển hình nhất là Đồng Nai thu hồi dự án thép 4,5 tỷ USD Quảng Liên của nhà đầu tư Đài Loan. Trước đó, siêu dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội với 100% vốn FDI 20 tỷ USD của nhà đầu tư Thái Lan tại Bình Định cũng bị thu hồi giấy phép vì chủ đầu tư không thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng.

Đặc biệt, mới đây UBND tỉnh Cần Thơ cũng vừa thu hồi dự án FDI vào ngành dầu khí trị giá nửa tỷ USD của liên doanh nhà đầu tư Mỹ và Brunei hợp tác thực hiện nhưng sau gần 8 năm không thực hiện triển khai, Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần thơ đã quyết định thu hồi giấy phép đầu tư.

Theo chuyên gia Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài: Xu hướng giảm vốn đầu tư có thể không tác động đến ngắn hạn song cũng có thể ảnh hưởng đến dài hạn như: môi trường đầu tư, việc làm và lợi thế của Việt Nam.

"Tuy nhiên, thời gian qua tôi vẫn thấy tỷ lệ vốn giải ngân tăng, như vậy, cũng không nên quá lo về con số FDI đăng ký mới. Việc cần làm là khắc phục các yếu kém nội tại, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi để kéo FDI có chất lượng", ông Mại nói.

Chuyên gia Phạm Chi Lan bình luận: "Ảnh hưởng yếu tố trong và ngoài nước đã tác động đến thu hút FDI. Quan điểm của tôi rất rõ, ở trong nước, chúng ta phải loại bỏ những dự án chỉ chiếm đất, giữ đất, khi không thực hiện làm vỡ quy hoạch của Việt Nam. Hiện chúng ta quá kỳ vọng vào FDI khi trải thảm cho các nhà đầu tư và kỳ vọng phát triển vì họ. Tuy nhiên, thành tích xuất khẩu đi liền nhập khẩu, nhập siêu.".

"Điều chúng ta cần phân tích chính là hiện Mỹ có ý định rút khỏi TPP, thì xem những dự án FDI nào chỉ vào Việt Nam khi TPP thì nên xem xét lại. Ngoài ra, việc Mỹ kêu gọi nhà tư bản chính quốc về nước hoạt động và hạn chế tự do thương mại là tác động rất lớn đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào FDI và xuất khẩu như Việt Nam", bà Lan nói.

Nguyễn Tuyền