1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm ở Việt Nam

(Dân trí) - Có khoảng 67% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thuộc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp. Đáng nói, ngày càng có nhiều doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

Nhận định trên được các nhà nghiên cứu kinh tế, môi trường đưa ra trong Hội thảo: "Giảm thiểu các tác động môi trường của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam" được Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách Thương mại và Đầu tư châu Âu tại Việt Nam (Mutrap) tổ chức sáng nay (30/3) tại Hà Nội.

Doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường đã xuất hiện ở khu vực FDI
Doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường đã xuất hiện ở khu vực FDI

Cụ thể, theo TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng - Viện CIEM: Qua các cuộc điều tra thực tế, từ năm 2011 - 2015, chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Các DN này có công nghệ thấp, tiêu thụ nhiều năng lượng, khả năng phát thải cao.

Các ngành, lĩnh vực tập trung nhiều nhất là: dệt may, hóa chất, điện tử, giấy, gang - thép.... Trong khi đó, lĩnh vực cấp nước, xử lý nước thải tính từ năm 1988 tới đầu năm 2013 mới chỉ có 28 dự án trong tổng số gần 16.000 dự án FDI, bằng 0,2% và chiếm 0,36% tổng vốn đăng ký (710 triệu USD).

Đáng nó, đến năm 2013, chỉ có 5% doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam có công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại 14% là sử dụng công nghệ thấp. Điều này hoàn toàn trái ngược kỳ vọng cũng như tuyên bố đưa các công nghệ, ứng dụng tiên tiến vào sản xuất tại Việt Nam.

Dẫn báo cáo của Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2011, bà Anh nói: Kết quả điều tra 150 DN FDI, có 45% doanh nghiệp chưa áp dụng quy trình sản xuất ít phát thải, 18% DN áp dụng các biện pháp giảm phát thải cũng thấp. Kết quả cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp (69%) cho rằng họ sẽ không thực hiện quy trình giảm phát thải nếu như đó không phải là yêu cầu bắt buộc, tương tự như thế 57,7% cho biết lý do là chi phí cao...

Trên thực tế, nhiều khu công nghiệp đi vào hoạt động nhưng chưa triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ hoặc có nhưng không vận hành, hay vận hành không hiệu quả hoặc xuống cấp… Đặc biệt, tại Đồng bằng Sông Cửu Long có 75% khu và 85% cụm CN chưa có xử lý nước thải tập trung.

Theo bà Tuệ Anh, có một thực tế cần được báo động là đang có sự khác biệt trong ứng xử với con người và tuân thủ pháp luật về môi trường giữa DN đặt cơ sở sản xuất ở nước "phát triển" và DN đặt cơ sở ở "đang phát triển".

“Việt Nam và các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều có những Luật về môi trường nhưng cùng một doanh nghiệp đầu tư, nếu đầu tư tại Nhật, Hàn Quốc, DN sẽ thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ hơn là đầu tư và làm ăn tại Việt Nam. Khả năng các DN ngoại đưa công nghệ lạc hậu và ô nhiễm vào Việt Nam nhiều hơn so với các nước trên”, bà Anh nói.

Các công ty của Nhật và Hàn Quốc nói chung tuân thủ tương đối tốt các qui định về môi trường của Việt Nam. Các công ty của Đài Loan và Trung Quốc có mức độ nhận thức và tuân thủ ngang với các công ty tư nhân trong nước của Việt Nam (đã có một số ví dụ về trường hợp không tuân thủ như công ty VEDAN...)

Theo nhận định của Viện CIEM, các qui định cụ thể về môi trường hầu hết được hoàn thiện trong những năm gần đây. Nói một cách khác là còn khá nhiều “lỗ hổng” trong thời gian trước đây về các mặt quản lý môi trường: hậu quả để lại là chúng ta phải khắc phục ở hiện tại.

"Các DN FDI đang tập trung phần lớn ở các khu, cụm công nghiệp. Nhiều tập đoàn đa ngành lập khu riêng để sản xuất, kinh doanh nên xây dựng hệ thống bảo vệ môi trường khép kín là điều bắt buộc. Các DN ngoại hơn hẳn nhận thức đối với DN Việt Nam khi họ được sinh ra từ các nước phát triển, có môi trường và có tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại hơn. Chính vì vậy, không thể nói họ thiếu nhận thức về môi trường hay vô tình để xảy ra ô nhiễm môi trường được", bà Tuệ Anh bình luận.

Nguyễn Tuyền

Ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm ở Việt Nam - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm