Sau hàng loạt cú đổ vỡ, các ngân hàng khu vực Mỹ hiện ra sao?
(Dân trí) - Báo cáo quý II của nhiều ngân hàng Mỹ cho thấy tình hình tài chính của nhóm ngân hàng khu vực dần được cải thiện, sau sự cố rút tiền ồ ạt khi có nhà băng sụp đổ hồi đầu tháng 3.
Hiện tượng khách hàng rút tiền ồ ạt dẫn tới sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank diễn ra hồi tháng 3 năm nay ở Mỹ. Tại thời điểm đó, nhà đầu tư cũng như giới quan sát đau đáu câu hỏi về số phận của những định chế tài chính có quy mô tương tự.
Liệu họ phải "bán mình" cho những ngân hàng lớn hơn; từ bỏ một số mảng kinh doanh và trở nên bé nhỏ hơn nhiều so với trước hoặc biến mất khỏi "bản đồ" tài chính nước Mỹ?
Nỗi lo ngày một dâng cao sau khi First Republic Bank, sau nhiều tuần đứng bên bờ vực phá sản, bị JPMorgan Chase thâu tóm vào đầu tháng 5. Thật khó để kỳ vọng các ngân hàng tầm trung có thể sớm khôi phục niềm tin nơi khách hàng cũng như nhà đầu tư.
Nhưng sự lạc quan đã quay trở lại.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý II - giai đoạn khủng hoảng ngân hàng diễn biến phức tạp nhất - cho thấy, tình hình tài chính của nhóm ngân hàng khu vực dần cải thiện với các khoản cho vay có chất lượng cao hơn và vốn dự phòng rủi ro cũng nhiều hơn trước.
KBW Nasdaq Regional Banking Index, chỉ số đo lường sức khỏe của nhóm các ngân hàng khu vực, vì thế cũng tăng 27% kể từ sau khi chạm đáy cách đây hơn hai tháng.
Chia sẻ với New York Times, Alexander Yokum, chuyên gia phân tích tới từ công ty nghiên cứu thị trường độc lập CFRA, cho biết những lo lắng về tương lai nhóm ngân hàng khu vực "gần như tan biến hoàn toàn khi quý II khép lại".
Điều này cũng được thể hiện rõ trên thị trường chứng khoán khi cổ phiếu của nhóm ngân hàng này, với tài sản rơi vào khoảng 50-250 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội so với các "anh lớn" trong ngành, ông bổ sung.
Góp phần vào sự quay trở lại mạnh mẽ này, kinh tế Mỹ tiếp tục thể hiện sức chống chọi tốt trước "bóng ma" suy thoái. Nhưng không thể phủ nhận những nỗ lực cải thiện trong nội tại mỗi đơn vị, hướng tới mục tiêu ổn định từ "tâm bão".
Nỗ lực "hút" tiền gửi
Vấn đề lớn nhất mà các ngân hàng thuộc nhóm này phải đối mặt hồi đầu năm là dòng chảy tiền gửi. Khi đó, tâm lý hoảng loạn của người gửi tiền nhanh chóng lan rộng từ SVB tới Signature và sau đó là First Republic.
Nhằm khôi phục lại niềm tin nơi khách hàng và thuyết phục các khách hàng tiềm năng mới, công cụ được nhiều ngân hàng áp dụng là lãi suất.
Đối với những khách hàng đã rút tiền và chuyển sang các quỹ thị trường tiền tệ hoặc các sản phẩm tiết kiệm ngắn hạn được giám sát trực tiếp bởi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), các ngân hàng khu vực chào mời họ với mức lãi suất lên tới 5% hoặc thậm chí cao hơn nhằm hút dòng tiền quay trở lại.
Bằng cách này, Western Alliance đã nhận về 3,5 tỷ USD tiền gửi mới trong quý II. Chia sẻ với New York Times, Sayee Srinivasan, Kinh tế trưởng của Hiệp hội Ngân hàng Mỹ, cho biết lượng tiền gửi vào các ngân hàng khu vực thành viên nhìn chung được giữ ổn định trong quý vừa qua.
Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp trên đi liền với đà tăng chi phí. Comerica, ngân hàng có trụ sở tại Dallas, từng sống trong nỗi sợ bị các khách hàng lớn quay lưng, bắt đầu nâng lãi suất tiền gửi lên tới 5% trong quý II.
Giải pháp này phát huy hiệu quả khi lượng tiền gửi vào được cải thiện nhưng chi phí trả lãi lại cao hơn tới 88%. Bất chấp thực tế này, lợi nhuận trung bình trên mỗi cổ phiếu của Comerica trong quý vừa qua vẫn cao hơn 2 USD so với giai đoạn trước.
Từ bỏ các khoản cho vay không sinh lời
Nhìn chung, lượng tiền mà các ngân hàng cho vay trong thời gian qua không quá lớn, Srinivasan chia sẻ. Theo ông, mối quan tâm lớn nhất của các ngân hàng khu vực trong quý vừa qua là cải thiện chất lượng các khoản cho vay.
Một số ngân hàng mạnh tay loại bỏ nhiều sản phẩm có khả năng sinh lời kém như các khoản vay tự động, vốn cũng không có nhiều tác dụng trong việc cải thiện mức độ trung thành của khách hàng đối với một định chế tài chính.
Người dùng chủ yếu đối với sản phẩm này thường là người mua xe và họ làm việc trực tiếp đối với đại lý. Michael B. Maguire, Giám đốc Tài chính tại Truist, một ngân hàng khu vực lớn có trụ sở tại thành phố Charlotte, bang North Carolina, chia sẻ với New York Times rằng họ "chủ đích giảm tỷ trọng" các khoản cho vay như vậy.
Không gia hạn hợp đồng cho vay đối với các doanh nghiệp không sử dụng đồng thời các dịch vụ khác của ngân hàng cũng là một cách tiếp cận mới. Vì ngân hàng tạo ra doanh thu thông qua các khoản phí dịch vụ, giá trị một khách hàng mang lại càng cao khi họ sử dụng nhiều dịch vụ cùng một lúc. Vì lý do này, một số định chế không quá chú trọng giữ chân những khách hàng chỉ có duy nhất một khoản vay.
KeyCorp là một trong số ít ngân hàng duy nhất chứng kiến lượng tiền gửi sụt giảm với 1 tỷ USD trong quý vừa qua. "Chúng tôi đã kiểm tra kỹ mọi danh mục. Và những khoản cho vay không đi kèm các dịch vụ khác không giúp chúng tôi bù đắp chi phí sử dụng vốn", Christopher M. Gorman, CEO của KeyCorp, chia sẻ với New York Times.
Chuẩn bị tốt hơn cho tương lai
Khi SVB thông báo phải bán một trong những khoản đầu tư an toàn nhất (trái phiếu) trong bối cảnh giá trị của tài sản này sụt giảm trước các bước tăng lãi suất của Fed, qua đó thu về khoản lỗ lên tới 1,8 tỷ USD, ngân hàng này đã tự tay ký vào "giấy báo tử" của chính mình.
Sự sụp đổ của SVB cũng như Signature chính là hồi chuông cảnh báo đối với nhiều lãnh đạo ngân hàng khác về sự chuẩn bị thiếu kỹ lưỡng trước sự thay đổi các yếu tố kinh tế vĩ mô.
Nhận thức được điều này, phần lớn ngân hàng đều bổ sung thêm vốn dự phòng nhằm khỏa lấp các khoản lỗ "bất ngờ". Tỷ lệ dự phòng rủi ro tại M&T Bank, Fifth Third Bancorp, Bank OZK và East West Bancorp vì thế liên tục phình to trong quý vừa qua.
Ngoài lỗ trái phiếu, khi lãi suất tăng cao và người lao động ngần ngại quay trở lại văn phòng làm việc như trước khi đại dịch bùng nổ, nỗi lo về các khoản cho vay đối với lĩnh vực bất động sản thương mại, đặc biệt đối với các đơn vị xây dựng và cho thuê văn phòng, cũng không ngừng tăng lên.
Tuy nhiên nhà đầu tư phần nào yên tâm khi lãnh đạo các ngân hàng này liên tục lên tiếng khẳng định sợi dây liên hệ mỏng manh đối với lĩnh vực này. Còn theo Yokum tới từ CFRA, tỷ lệ dư nợ trong lĩnh vực bất động sản thương mại của nhóm ngân hàng quy mô trung bình tại Mỹ chỉ chiếm 2-4% tổng dư nợ của các tổ chức.
Những cách làm trên giúp các ngân hàng gia tăng lợi nhuận, qua đó phần nào lấy lại niềm tin nơi nhà đầu tư và khách hàng, đồng thời kéo giảm nỗi sợ về khả năng lan rộng của cuộc khủng hoảng nổ ra hơn ba tháng trước.
Mr. Nash (Goldman Sachs) cho biết nhà đầu tư cũng tự tin hơn về khả năng các ngân hàng trong nhóm hợp nhất với nhau một khi xuất hiện một định chế gặp khó, giúp giữ vững tính ổn định trong hệ thống.
Điều đó được khẳng định khi Banc of California thông báo kế hoạch hợp nhất với đổi thủ đang đối diện với nhiều khó khăn PacWest.