Mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp Nhà nước khó thành

(Dân trí) - Mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho hai năm 2014-2015 là phải cổ phần hóa được 432 doanh nghiệp Nhà nước, tuy nhiên, tính đến 20/10/2015, mới thực hiện được 259 doanh nghiệp và vẫn còn 173 doanh nghiệp phải “chạy nước rút” trong 2 tháng cuối năm.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, về cơ bản các cơ chế chính sách hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được ban hành đầy đủ và liên tục được cập nhật nhằm khắc phục những bất cập trong triển khai thực hiện và đẩy nhanh tiến độ đạt mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trong giai đoạn 2014 - 2015.

Riêng trong năm 2015, Chính phủ đã ban hành 9 nhóm nội dung nhằm xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN, theo đó việc thực hiện bán cổ phần theo lô đã được thông qua.

Mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp Nhà nước khó thành - 1

Tính đến hết năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 167 doanh nghiệp, gấp 1,65 lần năm 2013 (trong đó, cổ phần hóa được 143 doanh nghiệp, gấp gần 2 lần năm 2013). Đến ngày 20/10/2015, cổ phần hóa được thêm 116 doanh nghiệp. Như vậy, số lượng doanh nghiệp phải cổ phần hóa theo kế hoạch còn 173 đơn vị.

Ngoài ra, đến hết ngày 20/10/2015, cả nước cũng đã thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại sở giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán cho 93 doanh nghiệp với hơn 318 triệu cổ phiếu bán được, đạt 38% số lượng cổ phần chào bán.

Bộ Tài chính cho biết, các quy định về sắp xếp, cổ phần hóa liên tục được thực hiện, bảo đảm chặt chẽ và ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mua được cổ phần, tăng cường tính công khai, minh bạch theo nguyên tắc thị trường và gắn kết với phát triển thị trường vốn.

Đặc biệt là quy định về bán cổ phần ra ngoài doanh nghiệp bằng hình thức đấu giá nhằm xóa bỏ cơ chế cổ phần hóa khép kín trong doanh nghiệp cổ phần hóa và hướng dẫn bán cổ phần theo lô nhằm đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN.

Về tiến độ tái cơ cấu tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, đến ngày 20/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án của 20/20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc thẩm quyền. Các bộ, địa phương phê duyệt đề án của 79 tổng công ty nhà nước trực thuộc.

Cũng trong giai đoạn 2014 - 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm và ngoài ngành nghề sản xuất - kinh doanh chính theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Năm 2014, thoái được 4.184 tỷ đồng, thu được 4.292 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến 20/10/2015, đã thoái vốn được thêm 4.460 tỷ đồng, thu về 4.113 tỷ đồng.

Dự kiến, trong năm 2016, các Bộ ngành, địa phương sẽ tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp chưa cổ phần hóa năm 2015 và rà soát, bổ sung doanh nghiệp cần cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, xây dựng phương án tổng thể thoái vốn trong từng lĩnh vực.

Bộ Tài chính khẳng định, DNNN vẫn tiếp tục là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, song phải tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả để có cơ cấu hợp lý. Những DNNN có lợi thế do Nhà nước giao, có ưu thế độc quyền tự nhiên phải được quản lý theo cơ chế phù hợp để đảm bảo điều kiện kinh doanh công bằng với các doanh nghiệp trong các khu vực kinh tế khác; tạo ra tính cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài (hình thành các doanh nghiệp đủ lớn để cạnh tranh trên thị trường, làm đầu tàu hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ).

Bích Diệp

 

Mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp Nhà nước khó thành - 2