Mục tiêu bán hơn 4,6 triệu lít bia/ngày, Sabeco lo mất 900 tỷ đồng cho chi phí dán tem

(Dân trí) - Trong năm 2017, Sabeco dự kiến sẽ nâng sản lượng tiêu thụ thêm 3%, đạt hơn 1,7 tỷ lít bia (tương đương với hơn 4,6 triệu lít/ngày); tuy nhiên với chi phí dán tem khoảng 200 đồng mỗi chai/lon, tổng công ty này có thể sẽ tốn đến 900 tỷ đồng, chưa kể chi phí đầu tư thiết bị liên quan và áp lực về tỷ giá, thuế TTĐB lên giá thành.

Sản lượng tiêu thụ bia của Sabeco dự kiến đạt hơn 1,7 tỷ lít trong năm 2017.
Sản lượng tiêu thụ bia của Sabeco dự kiến đạt hơn 1,7 tỷ lít trong năm 2017.

Dự kiến tiêu thụ hơn 4,6 triệu lít bia/ngày

Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2017 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 18/4 tới.

Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh được Ban điều hành tổng công ty trình ĐHĐCĐ thông qua, trong năm 2017, Sabeco dự kiến sẽ nâng sản lượng tiêu thụ thêm 3% so với năm 2016, đạt hơn 1,7 tỷ lít bia (tương đương với hơn 4,6 triệu lít bia/ngày). Tổng doanh thu kế hoạch đạt 34.495 tỷ đồng, tăng khoảng 9% so với thực hiện năm 2016. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu chỉ tăng nhẹ lên 5.719 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dạt 4.703 tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2016.

Sabeco dự kiến sẽ nâng tỷ lệ chi trả cổ tức trong năm nay lên 35% so với mức 30% hồi năm ngoái. Nộp ngân sách cũng tăng thêm 5% lên 9.262 tỷ đồng.

Trước đó, kết quả kinh doanh toàn tổng công ty phản ánh trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của Sabeco cho thấy khá tốt. Cụ thể, Sabeco đạt 30.890 tỷ đồng tổng doanh thu sản xuất kinh doanh chính, tăng 12,65% so với năm 2015. Lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 5.707 tỷ đồng, vượt 27,6% kế hoạch ĐHĐCĐ giao và tăng cùng tỷ lệ so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.654 tỷ đồng, vượt 27,19% kế hoạch.

Kết quả tiêu thụ cho thấy sản lượng bia thương hiệu Sài Gòn tiêu thụ đạt 1,59 tỷ lít, vượt 7% so với kế hoạch đăng ký và tăng trưởng 123,7 triệu lít (tức tăng 8%) so với thực hiện năm 2015.

Có thể mất 900 tỷ đồng cho chi phí dán tem

Theo đánh giá của Ban điều hành Sabeco, trong năm 2017, tổng công ty này sẽ gặp không ít khó khăn. Cụ thể, đó là áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các hãng bia. Đặc biệt là, bên cạnh sự hiện diện của các thương hiệu bia khác tại Việt Nam còn có sự xâm nhập thị trường của thương hiệu nổi tiếng AB InBev với lợi thế về mặt thương hiệu và tiềm lực tài chính.

Với độ mở của nền kinh tế ngày càng cao, việc chính thức gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, theo nhận định Ban điều hành Sabeco, đối với ngành bia, việc giảm thuế nhập khẩu bia xuống 0% sau khi gia nhập các hiệp định được cho là sẽ tạo ra nhiều thách thức, rủi ro hơn cho các hãng bia nội, trong đó có Bia Sài Gòn, khi phải cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm nhập khẩu.

Trong khi đó, khả năng tận dụng gia tăng xuất khẩu bia của các doanh nghiệp nội vào thị trường các nước khác là không cao, do bia là mặt hàng mang tính khẩu vị và gu tiêu dùng cao, chưa kể những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, cách thức đóng gói, nhãn mác...

Ngoài những áp lực tăng chi phí do chính sách, Sabeco còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.
Ngoài những áp lực tăng chi phí do chính sách, Sabeco còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.

Ban điều hành Sabeco cũng nhìn nhận, yếu tố thu nhập tăng và độ tuổi uống bia trẻ hóa, bên cạnh khía cạnh thuận lợi về nhu cầu tiêu dùng cao cũng tạo ra sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng, dịch chuyển sang các sản phẩm cấp cao. Thực tế này vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ với Bia Sài Gòn khi doanh nghiệp này vẫn chưa có sản phẩm ở phân khúc này.

Ngoài ra, các chính sách phòng chống tác hại đồ uống có còn đến hành vi và mức tiêu dùng của người uống bia cũng sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Sabeco năm 2017.

Sabeco cũng sẽ phải chịu áp lực gia tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thêm 5% từ ngày 1/1/2017, bên cạnh biến động tăng tỷ giá 2% trong năm 2017 sẽ tiềm tàng khả năng làm gia tăng chi phí nhập khẩu các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất bia.

Ngoài ra, một thông tin đáng lưu tâm là đề án quy định việc dán tem đối với tất cả các sản phẩm bia đang dự thảo, lấy ý kiến, nếu được triển khai áp dụng sẽ gia tăng đáng kể chi phí. Cụ thể, với mức sản lượng kế hoạch 2016 của Bia Sài Gòn và chi phí dán tem ước tính cho mỗi chai/lon là 200 đồng thì Bia Sài Gòn sẽ phải bỏ thêm khoảng 900 tỷ đồng chi phí cho việc dán tem, chưa kể chi phí đầu tư thiết bị liên quan.

Bích Diệp