Mua sắm tại siêu thị được trả tiền thừa bằng... kẹo, bao giờ người Việt trọng tiền lẻ?
(Dân trí) - Trong suốt một thời gian dài, những đồng tiền lẻ 100 đồng, 200 đồng không làm đúng vai trò của mình trong thanh toán và bị cả người bán hàng lẫn người mua hàng thờ ơ, nhưng điều đó có thể sớm thay đổi với sự thúc đẩy thanh toán bằng QR Code.
Người Việt không biết coi trọng tiền lẻ?
Trong hệ thống tiền lưu hành tại Việt Nam hiện nay, đồng tiền có mệnh giá nhỏ nhất là 500 đồng, nhưng rất nhiều hệ thống cửa hàng, siêu thị vẫn để các sản phẩm có giá lẻ đến đơn vị 100 - 999 đồng.
Nếu đi mua hàng siêu thị mà thanh toán còn thừa tiền lẻ thì từ lâu “luật bất thành văn” là khách hàng phải nhận khi thì kẹo cao su, khi thì kẹo ngọt và lúc lại là một gói giấy ăn thay cho 300 đồng, 500 đồng, biến kẹo, gói giấy ăn… thành một vật ngang giá trong thanh toán và sai quy định.
Nhân viên siêu thị đưa kẹo thay tiền bù cho khách hàng tại Việt Nam - ảnh: Yahoo Japan
Mới đây, trên một blog của Nhật Bản, Atsushi - một trong những thanh niên Nhật Bản sống ở Việt Nam, có thể nói được một chút tiếng Việt và có vợ là người Việt kể rằng, anh có thể tự đi siêu thị và luôn để ý đến hóa đơn như phần lớn những người Nhật khác và Atsushi luôn cảm thấy “phiền” khi nhận được kẹo thay tiền lẻ.
“Tại Nhật thì 1 yên cũng là tiền, bạn mua cái gì thừa 1 yên thì người ta cũng trả đầy đủ, ngược lại thì thiếu 1 yên cũng không mua được cái gì”, Atsushi cho biết. 1 yên của Nhật vào khoảng 200 đồng Việt Nam và nó là đồng tiền xu có mệnh giá nhỏ nhất tại Nhật.
Atsushi cũng phản ánh về điều kỳ lạ này trên nhóm cộng đồng người Nhật sống tại Việt Nam và nhận được những phản hồi tương tự. Một người bạn khác của anh cho rằng, không chỉ đi siêu thị mà thanh toán tiền đi taxi cũng vậy, “đi taxi hết 51 - 54.000 đồng & người lái xe nhận 55.000 đồng không bù tiền, để rồi lần sau rất có thể lại tiếp tục như vậy nếu người taxi không có tiền lẻ. 10 lần đi taxi bạn có thể mất 20 - 30.000 đồng là bình thường”, anh này cho biết.
Sau quá nhiều lần phải lấy kẹo thay vì tiền, Atsushi kết luận: “Việt Nam thiếu tiền lẻ và cũng không nhiều người dân coi tiền lẻ là quan trọng”.
Trong suốt một thời gian dài, tiền lẻ tại Việt Nam nhất là đồng 500 đồng được sử dụng đúng vai trò trong thanh toán nhưng lại được chuộng trong cúng bái đền chùa, còn đồng 100 đồng, 200 đồng coi như mất tích.
Giải pháp nào giúp tiền lẻ "hồi sinh"?
Theo một chuyên gia trong ngành Tài chính - Ngân hàng, đồng tiền đang được lưu hành có mệnh giá nhỏ nhất tại Việt Nam là 100 đồng và cao nhất là 500.000 đồng. Tuy nhiên, tiền lẻ đang bị "bỏ rơi" do mất sức mua khi giá cả hàng hóa tăng phi mã dẫn đến sự thờ ơ của cả người bán hàng và mua hàng.
Tưởng chừng như Việt Nam rất khó có thể tạo thói quen thanh toán tới từng đồng xu lẻ thì rất có thể điều đó sẽ sớm thay đổi, khi một xu hướng thanh toán mới bảo mật, tiện dụng với sự hỗ trợ của công nghệ và có thể giao dịch lẻ đến từng xu đang hình thành - đó là QR Code.
Trong nửa đầu năm 2017 một loạt những ứng dụng thanh toán bằng QR Code ra mắt như TPBank QuickPay, VNPayQR… đã được công bố và được người dùng đón nhận.
Theo số liệu từ TPBank, có hơn 40.000 cửa hàng đã chấp nhận thanh toán bằng QR Code thông qua ứng dụng QuickPay mà ngân hàng này phát triển. Người dùng không cần thiết phải tới ngân hàng đăng ký, chỉ đơn giản là tải app từ App Store và Google Play về và hoàn thành việc xác nhận thông tin theo các bước ngay trên smartphone, nạp tiền bằng tài khoản ngân hàng hoặc nạp tài khoản thẻ tín dụng là có thể thanh toán bằng QuickPay. Mã QR của TPBank tương thích với chuẩn quốc gia và quốc tế, do vậy khách hàng dùng ứng dụng thanh toán QR Code của các ngân hàng trong nước, một số ngân hàng nước ngoài và các tổ chức Visa/Master đều có thể thanh toán tại các cửa hàng có TPBank QuickPay.
Trong khi đó, hệ thống còn lại VNPayQR cũng đã nhanh chóng mở rộng hợp tác với ít nhất 15 ngân hàng thương mại như Agribank, VietinBank... giúp khoảng 8 triệu người dùng có thể thanh toán nhanh bằng ứng dụng ngân hàng tích hợp thanh toán bằng QR Code. Hợp tác giữa TPBank và VNPayQR cũng đã giúp trên 8 triệu khách hàng thanh toán liên thông với các cửa hàng chấp nhận thanh toán QR Code của cả hai bên.
Các nền tảng như TPBank QuickPay và VNPAYQR đã hợp tác, giúp hơn 8 triệu khách hàng có thể liên thông thanh toán bằng QR Code.
Không chỉ có những chỉ số tăng trưởng về cửa hàng chấp nhận thanh toán QR và người dùng, cơ quan quản lý cũng đã bật đèn xanh ủng hộ các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt này. Hiện nay, Hà Nội đã thí điểm 7 máy bán hàng tự động hỗ trợ thanh toán bằng QR Code quanh hồ Gươm và hoạt động ổn định. Máy hoạt động khá đơn giản, chọn đồ uống, nhét tiền vào, hoặc sử dụng những ứng dụng như QuickPay để quét mã, xác thực bằng vân tay hoặc mật khẩu trước đó đã thiết lập và thanh toán là xong, hàng sẽ nhả ra ngay lập tức. Hà Nội dự định sẽ vận hành khoảng 1.000 máy bán hàng tự động tại các điểm công cộng, hứa hẹn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng các máy bán hàng tự động và thanh toán bằng QR Code trong tương lai.
Theo khảo sát ban đầu, phản hồi của khách hàng đối với việc thanh toán QR Code là rất tích cực, theo anh Trung - một khách hàng tích cực sử dụng QR Code thì: “Thanh toán QR Code về một khía cạnh nào đó rất giống với Samsung Pay hay Apple Pay, nhưng tiện hơn do dùng bất cứ nền tảng nào trong 2 nền tảng phổ biến là iOS hay Android thì cũng có thể cài app thanh toán QR Code, để dùng thì đơn giản, mình chỉ cần cầm thiết bị quẹt và thanh toán, trả tiền hay chuyển tiền đến bạn bè lẻ đến từng đồng cũng được".
Nhật Phương