Mua ngân hàng giá 0 đồng: Cứng rắn để ổn định

Nhiều ông chủ ngân hàng (NH) đã và đang đứng trước khả năng phải bỏ cuộc chơi. Các NH yếu kém không thể tự tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ buộc mua lại với giá 0 đồng.

Đó có thể coi là sự cưỡng chế nhưng là cần thiết cho sự ổn định. Bước đi quyết liệt này buộc các ngân hàng phải nỗ lực tái cấu trúc, nếu không muốn bị liệt vào danh sách các mắt xích có khả năng gây đổ vỡ hệ thống.

Không thể mãi chờ sự tự giác

Sau một năm khá yên ắng trong lĩnh vực M&A ngân hàng, thị trường tài chính bất ngờ xôn xao trước việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) với giá 0 đồng hồi cuối tháng 1/2015.

Đây cũng là “phát súng” đầu tiên báo hiệu cho một cuộc chiến mới - tái cấu trúc hệ thống ngân hàng giai đoạn hai, đồng bộ hơn, toàn diện hơn, quyết liệt và mạnh mẽ hơn.

“NHNN có thể mua lại các ngân hàng như đã mua lại VNCB với giá cổ phiếu là 0 đồng. Không chỉ VNCB mà còn một số ngân hàng khác được xử lý như vậy thời gian tới. Sẽ có nhiều ngân hàng hợp nhất, sáp nhập. Các ngân hàng đang “khỏe mạnh” cũng có thể sáp nhập để tạo ra ngân hàng có quy mô hơn, hoạt động tốt hơn”, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chia sẻ trên Chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời hồi giữa tháng 2/2015.

Mua ngân hàng giá 0 đồng: Cứng rắn để ổn định
Trong năm 2015, NHNN có thể sẽ còn mua lại các ngân hàng yếu kém nếu các ngân hàng không thể tự tái cấu trúc.

Nhiều khả năng, sắp tới biện pháp này sẽ có thể được áp dụng cho một số ngân hàng khác. Đây là tiết lộ mới đây của một lãnh đạo NHNN về các kế hoạch tái cơ cấu các NH yếu kém trong 2015.

Đánh giá về vụ mua VNCB với giá 0 đồng, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chia sẻ với PV. VietNamNet rằng, quyết định mua lại VNCB là một bước ngoặt trong công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

“Trong giai đoạn 2012-2014, NHNN đã để cho các ngân hàng tự tái cấu trúc, tự tìm đối tác cho mua bán sáp nhập. Tuy nhiên, năm 2015 là lần đầu tiên NHNN mua lại toàn bộ một ngân hàng, nắm quyền sở hữu hoàn toàn một NHTMCP và giao cho một ngân hàng khác quản trị điều hành”.

Theo ông, đây là một bước ngoặt và là một bước đi phù hợp và cần thiết vào thời điểm cả nền kinh tế đang tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng cũng phải hoàn thành đề án tái cấu trúc trong năm nay.

“Mua lại VNCB với giá 0 đồng là minh chứng rõ nét cho thấy sự quyết liệt của NHNN trong việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. VNCB đã mất vốn, nợ xấu cao hơn vốn điều lệ nên việc mua lại thực chất là nhằm tránh đổ vỡ. Khách hàng được đảm bảo quyền lợi nhưng cổ đông tham gia góp vốn sẽ không còn quyền lợi bởi hoạt động kinh doanh thua lỗ, mất vốn. Đây là điều bình thường trong hoạt động sản xuất kinh doanh”, TS. Lực nhìn nhận.

Đánh giá về hướng đi mới của NHNN, TS. Trần Hoàng Ngân - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing, cho rằng, trong bối cảnh quá trình tái cơ cấu hệ thống NH chưa hoàn tất, việc áp dụng mua lại bắt buộc ngân hàng âm vốn nhiều là lựa chọn đúng nhằm đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống.

Theo ông Ngân, các biện pháp mạnh hơn như áp dụng phá sản ngân hàng âm vốn lớn/yếu kém có thể áp dụng từ năm 2016 trở đi, vừa giúp lành mạnh hóa thị trường, vừa tránh tình trạng tâm lý ỷ lại.

Cưỡng ép để ổn định

Trao đổi gần đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định cam kết xử lý tái cấu trúc từ 7 đến 8 ngân hàng trong năm 2015, thực hiện chiến lược thiết lập kỷ cương tài chính và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

“Một khi các cổ đông làm mất hết vốn của mình, thậm chí dùng vốn xã hội thì các cổ đông đó không còn chỗ đứng nữa và NHNN tiếp quản lại để giữ ổn định hệ thống cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp trong hệ thống đó”, ông Bình nhấn mạnh.

Trên thực tế, theo TS. Lực, NHNN mới chỉ mua lại VNCB, còn các trưởng hợp khác đều trong quá trình tự tái cơ cấu, mua lại chỉ là một trong các phương án trong trường hợp ngân hàng này không tự thực hiện được.

Theo ông Lực, trên thế giới, có nhiều phương pháp để tái cơ cấu ngân hàng bao gồm: mua bán sáp nhập, phá sản... rồi mới đến việc nhà nước mua lại. NHNN đã làm khá thận trọng, cho phép các ngân hàng thương mại tự tái cấu trúc và cho đến khi không thể tự xử lý thì mới vào cuộc.

Theo chuyên gia này, cơ quan quản lý không để ngân hàng phá sản nhằm tránh xảy ra đổ vỡ dây chuyền, tạo ra sự ổn định trong hệ thống và cũng bởi bảo hiểm tiền gửi theo quy định hiện hành còn quá thấp, 50 triệu đồng/người.

Trả lời báo chí tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2 ngày 2/3, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng một lần nữa khẳng định, trong quá trình tái cơ cấu, cơ quan này có thể trực tiếp mua cổ phần hay chỉ đạo các NHTMCP. Trong giai đoạn đầu tiên, NHNN cũng đã đánh giá và thực hiện tái cơ cấu các NHTM yếu kém, đó là các mắt xích có thể gây đổ vỡ hệ thống.

Quyết liệt trong tái cơ cấu, và “dù thế nào đi nữa thì chắn chắn NHNN sẽ không để một ngân hàng nào phá sản”.

Trong diễn biến mới nhất để củng cố VNBC, NHNN đã chính thức công bố việc đưa NHCP này thành mô hình công ty TNHHMTV nhà nước, điều động một loạt nhân sự, xây dựng các cơ chế và nhất là tuyên bố rõ ràng về việc bơm vốn cũng như lộ trình cần thiết để ngân hàng này ổn định là lành mạnh trở lại. Điều này là thông điệp thực tế về tái cơ cấu NH 2015 của NHNN.

Theo Lê Hà
Vietnamnet