1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Mua ngân hàng 0 đồng: Có hay không việc sử dụng tiền ngân sách?

(Dân trí) - Đề cập tới nguồn lực để mua lại, tái cơ cấu 3 ngân hàng yếu kém, NHNN cho hay: Mua ngân hàng 0 đồng tức là NHNN không phải bỏ tiền ra mua ngân hàng; không sử dụng tiền của ngân sách; không gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước và các ngân hàng được chỉ định tham gia quản trị, điều hành.

Tại sao phải mua 0 đồng?

Trong giai đoạn tái cơ cấu các tổ chức tín dụng vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã áp dụng biện pháp mua lại 3 ngân hàng yếu kém là: Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (PG.Bank).

Phương án xử lý ngân hàng yếu kém bằng cách mua lại với giá 0 đồng, được giới chuyên môn đánh giá là biện pháp cấp bách. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại sẽ ảnh hưởng tới ngân sách nhà nước, vì đây đều là những ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao. Và theo đó, tại sao lại không cho ngân hàng yếu kém phá sản mà lại mua với giá 0 đồng?

Trên thực tế, Việt Nam đã từng áp dụng các biện pháp rút giấy phép, thanh lý đối với một số ngân hàng TMCP nhưng thời gian tiến hành kéo dài (có ngân hàng đã kéo dài đến 16 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành như Ngân hàng TMCP Nam Đô, Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Hoa,…) và phát sinh hậu quả kinh tế - xã hội rất lớn như thất nghiệp, chi trả bảo hiểm tiền gửi, tiền gửi, tài sản đầu tư của doanh nghiệp và người dân tại ngân hàng không thu hồi được...

Với quy mô tổng tài sản là 21.062 tỷ đồng và quỹ nghiệp vụ chi trả tiền bảo hiểm là 15.331 tỷ đồng vào cuối năm 2014, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu chi trả tiền gửi của ngân hàng có quy mô nhỏ hiện nay bị phá sản.

 


NHNN khẳng định mua 3 ngân hàng giá 0 đồng không gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước

 

NHNN khẳng định mua 3 ngân hàng giá 0 đồng không gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước

 

 

Trên cơ sở cân nhắc lợi ích và chi phí tổng thể, Chính phủ và NHNN đã quyết định áp dụng biện pháp Nhà nước mua và tiếp quản đối với ngân hàng yếu kém không có khả năng tự tái cơ cấu và không thể sáp nhập, hợp nhất tự nguyện được. Đây là hoạt động được Luật các TCTD tín dụng hiện hành cho phép và có tính thông lệ của Chính phủ nhiều nước trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý ngân hàng yếu kém.

“Biện pháp xử lý mạnh tay này khẳng định quyết tâm của Chính phủ và NHNN trong việc kiên quyết xử lý triệt để những ngân hàng yếu kém và cảnh báo trách nhiệm của các cổ đông nói chung, đồng thời răn đe các cổ đông lớn trong việc quản trị, điều hành và giám sát hoạt động của ngân hàng nhằm bảo vệ tài sản của mình ở các ngân hàng”, NHNN khẳng định.

Về lâu dài, khi đã hội tụ đủ điều kiện, giải pháp phá sản sẽ được áp dụng đối với một số trường hợp TCTD yếu kém có ảnh hưởng không lớn đến người gửi tiền và an toàn hệ thống. Vừa qua, NHNN đã trình và được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng biện pháp phá sản trong từng trường hợp TCTD phi ngân hàng cụ thể. Hiện nay, NHNN đang phối hợp với các cơ quan chức năng áp dụng biện pháp phá sản thí điểm đối với 1 công ty cho thuê tài chính - là các tổ chức không nhận tiền gửi của dân cư.

NHNN không phải bỏ tiền ra mua ngân hàng

Theo NHNN, cả 3 Ngân hàng TMCP Xây dựng, Dầu khí Toàn cầu, Đại Dương đều là ngân hàng yếu kém được đặt vào kiểm soát đặc biệt và đã lâm vào tình trạng vốn chủ sở hữu âm nên giải pháp tự tái cấu trúc hoặc sáp nhập, hợp nhất tự nguyện không khả thi. Vì vậy, 3 ngân hàng TMCP này buộc phải được xử lý theo hình thức Nhà nước mua cổ phần bắt buộc với giá 0 đồng (tức là NHNN không phải bỏ tiền ra mua ngân hàng) để xử lý, cơ cấu lại một cách triệt để, toàn diện.

Đối với 3 NHTM vừa được NHNN mua lại, NHNN chỉ định Vietcombank quản trị, điều hành Ngân hàng Xây dựng và VietinBank quản trị, điều hành Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu. Hiện nay, VietinBank và Vietcombank đều là những ngân hàng có tiềm lực tài chính, quy mô hoạt động lớn, tình hình hoạt động kinh doanh ổn định, năng lực quản trị điều hành khá tốt và khẳng định vị thế quan trọng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Các quan hệ kinh tế, tài chính giữa VietinBank, Vietcombank với 3 Ngân hàng Xây dựng, Dầu khí Toàn cầu và Đại Dương là quan hệ dân sự bình thường giữa hai pháp nhân độc lập và phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

“VietinBank, Vietcombank không phải gánh chịu các chi phí, tổn thất và không phải cấp vốn đối với 3 ngân hàng được mua lại, ngoài việc cử người tham gia quản trị, điều hành tại ngân hàng mua lại. Các khoản hỗ trợ vốn của NHNN cho ngân hàng được mua lại là quan hệ tín dụng và ngân hàng mua lại có nghĩa vụ trả nợ NHNN theo đúng quy định của pháp luật”, NHNN khẳng định.

Đề cập tới nguồn lực để mua lại, tái cơ cấu 3 ngân hàng 0 đồng, NHNN tái khẳng định: Mua ngân hàng 0 đồng tức là NHNN không phải bỏ tiền ra mua ngân hàng. Theo quy định của pháp luật, các khoản cho vay đặc biệt đối với ngân hàng được mua lại đến nay được ưu tiên hoàn trả so với các khoản nợ khác của ngân hàng. Do đó, về thiệt hại kinh tế đối với NHNN là hầu như không có.

Hiện nay, vốn điều lệ của các ngân hàng được mua lại không còn do thua lỗ nhưng với các giải pháp mạnh mẽ về tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, thu hồi tài sản và mở rộng hoạt động kinh doanh mới nhờ NHNN phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng được mua lại thì vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ từng bước được khôi phục.

“Biện pháp mua lại ngân hàng TMCP yếu kém với giá 0 đồng được NHNN phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan triển khai theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; không sử dụng tiền của ngân sách; không gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước, NHNN và các ngân hàng thương mại Nhà nước được chỉ định tham gia quản trị, điều hành”, NHNN khẳng định.

Nguyễn Hiền

 

Mua ngân hàng 0 đồng: Có hay không việc sử dụng tiền ngân sách? - 2