Mua hoa thanh long bán sang Trung Quốc: Lại âm mưu gì?

Việc mua bán hoa thanh long với mục đích không rõ ràng này, đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm.

Thời gian gần đây, tại địa bàn huyện Châu Thành (tỉnh Long An) và huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) xuất hiện nhiều thương lái đến thu mua hoa thanh long để cung ứng cho thị trường Trung Quốc.

Tại 2 địa phương này có nhiều doanh nghiệp đứng ra thu mua và xây nhà máy sơ chế hoa thanh long. Việc mua bán hoa thanh long với mục đích không rõ ràng này, đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm, thận trọng từ nhà vườn cũng như chính quyền và ngành chức năng địa phương.

 

Thương lái chọn mua hoa thanh long
Thương lái chọn mua hoa thanh long

 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Khoảng 1 tháng nay, cơ sở thu mua trái thanh long của ông Phan Hoàng Nhân, ở ấp Long Hiệp xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) còn kiêm thêm việc thu mua Hoa thanh long của nhà vườn để giao cho một doanh nghiệp ở huyện Châu Thành (tỉnh Long An). Chủ cơ sở thu mua này cũng không biết họ mua hoa thanh long làm gì, chỉ biết đầu ra cuối cùng là bán cho thương lái Trung Quốc.
 
 
Hoa thanh long mà cơ sở này chọn mua là chưa nở (dạng nụ) với giá từ 2.500 đồng - 3.000 đồng/kg, để bán lại thu lợi 1.000 đồng/kg. Mấy ngày nay, khi vào vụ cây thanh long ra hoa, cơ sở Hoàng Nhân thu mua được gần 10 tấn hoa/ngày.
 
Bà Nguyễn Thị Bích Duyên, nhà vườn ở ấp Khương Thọ, xã Quơn Long cho biết, do cây ra hoa nhiều nên tỉa bớt bán để kiếm thêm thu nhập.
 
Ông Nguyễn Văn Thường, nông dân ấp Đăng Phong, xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo cho rằng, giá cao thì bán hoa, khỏi phải tốn công chăm sóc và chi phí chi cho phân, thuốc bảo vệ thực vật.
 
Trên địa bàn huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) hiện có ít nhất 4 cơ sở thu mua trái thanh long kiêm thêm mua hoa thanh long. Riêng tại ấp Long Hiệp, xã Quơn Long còn có bà Trần Thị Châu Giang (ngụ Quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ) và ông Trần Văn Đồng (ngụ huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) đến thuê 1.000 m2 đất của hộ bà Nguyễn Thị Lên xây dựng nhà máy sơ chế hoa thanh long. Nhà máy này được thiết kế gồm: 1 kho lạnh có sức chứa 20 tấn hoa thanh long và 3 lò sấy có công suất 3-4 tấn hoa thanh long/ngày. Tổng kinh phí đầu tư nhà máy sơ chế gần 2 tỷ đồng, sản phẩm qua sơ chế sẽ xuất khẩu qua Trung Quốc.
 
Bà Trần Thị Châu Giang, chủ nhà máy sơ chế hoa thanh long, cũng không biết rõ mục đích sử dụng và đầu ra của sản phẩm này. “Người ta bảo lấy lấy tinh chất thơm của bông thanh long làm trà trộn với trà tinh chất,” bà chia sẻ.
 
Riêng tại xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành (tỉnh Long An) có công ty trách nhiệm hữu hạn xuất khẩu thanh long Hoàng Huy là đầu mối thu mua hoa thanh long tại nhiều địa phương với số lượng lớn. Điều đáng nói là dù thị trường mua bán hoa thanh long đã xảy ra vài tháng nay nhưng một số chính quyền địa phương chưa nắm rõ và chưa có động thái nào để giúp nhà vườn cảnh giác khi bán hoa thanh long.
 
Còn nhà máy sơ chế bông thanh long tại ấp Long Hiệp, xã Quơn Long dù xây dựng không có giấy phép nhưng ông Đinh Văn Tiến Chủ tịch UBND xã vẫn đồng ý để nhà đầu tư triển khai thi công.
 
Còn các ngành chức năng ở huyện Chợ Gạo cho biết, không thể ngăn chặn tình trạng thương lái thu mua hoa thanh long, nhưng cần tuyên truyền để nhà vườn có ý thức không chạy theo lợi nhuận trước mắt mà cắt hết hoa để bán.
 
Ông Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Chợ Gạo nói: “Trạm BVTV huyện khuyến cáo nông dân không nên bán bông thanh long tốt mà để lại cho trái sau này, chỉ bán bông dư thừa. Đối với thương lái thu mua bông thanh long thì mình đề cao cảnh giác. Trạm BVTV huyện tăng cường công tác giám sát kiểm tra, thông tin lồng ghép trong các cuộc chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nông dân nắm bắt tình hình mua bông thanh long hiện nay.”
 
Tỉnh Tiền Giang và Long An có gần 10.000 ha cây thanh long. Do đầu ra thuận lợi nên mô hình này cho hiệu quả kinh tế rất cao. Do đó, nhà vườn nên tăng cường khâu chăm sóc, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng trái cây thương phẩm. Không vì ham lợi trước mắt mà tận thu hoạch hoa thanh long bán sẽ ảnh hưởng đến năng suất và tuổi thọ cây thanh long sau này.
 

Trước đây, thương lái Trung Quốc từng thu gom lá mãng cầu xiêm, cây xương sáo khiến nông dân ồ ạt trồng, bán, sau đó thương lái một đi không trở lại khiến nông dân sống dở chết dở vì ôm hàng tấn lá phơi khô mà không biết phải làm gì./.

 
Theo Chu Trinh
VOV
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm