Chiêu hiểm thương lái Trung Quốc: Mua rễ hồ tiêu, hoa thanh long
Trong năm 2014 vừa qua, các thương lái Trung Quốc đã ồ ạt gom hàng tại nhiều địa phương trên cả nước. Vậy những thương lái này đã thu mua những gì trong năm qua?
Sau Tết Giáp Ngọ, tại địa bàn thôn Bình Chương, xã Hoài Đức (Hoài Nhơn, Bình Định) xuất hiện nhiều điểm thu mua, sơ chế cây cà gai leo. Do thương lái TQ ráo riết lung mua nên người dân đổ xô khai thác theo kiểu tận diệt.
Cũng trong thời gian này, tại địa bàn huyện An Lão (Bình Định), lá trầu không cũng bị "truy hái" ráo riết. Nguyên nhân do thương lái TQ tập trung về đây thu mua với giá rất cao. Những dây trầu trồng ở mép và giữa rừng trên địa bàn huyện này nhanh chóng bị "vặt" sạch, chỉ còn trơ dây.
Đầu tháng 5/2014, trên địa bàn tỉnh Phú Yên, những người trồng chuối đứng ngồi không yên. Trước đó, đầu nậu thương lái TQ rảo khắp các đồi núi để mua chuối trái với giá 12.000 đồng/kg. Sau đó những người này biệt tăm, giá chuối rớt không có điểm dừng.
Đây cũng là thời điểm các thương lái thu mua cá sấu con tại Nam Bộ. Trước đây, thị trường TQ chủ yếu mua cá sấu sống từ 10kg trở lên. "Không biết nguyên nhân vì sao phía TQ lại tận thu cá sấu con", ông Nguyễn Văn Thành, Chủ nhiệm HTX cá sấu giống Nam Bộ (quận 12, T.p HCM) nói.
Thời điểm này, tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, hàng trăm người dân đổ xô lên rừng khai thác gỗ trắc non bán cho thương lái TQ. "Tìm được khúc gỗ nặng khoảng 5 kg là có ngay 50.000 đồng. Trung bình mỗi ngày tụi tôi kiếm được từ 500.000 - 700.000 đồng" - một người dân cho biết.
Tại huyện Chư Sê tình trạng thu mua gốc, rễ cây hồ tiêu còn sống cũng diến ra công khai. Chính quyền địa phương cho rằng, thương lái thu mua gốc, rễ tiêu để xay rồi trộn vào sản phẩm hồ tiêu chất lượng nhằm kiếm lời, làm xấu hình ảnh của hồ tiêu VN trên thị trường thế giới.
Banh lông trước đây vốn là loài không có giá trị kinh tế, nhưng gần đây, thương lái TQ bỗng về các vùng biển tại miền Tây tung tin thu mua với giá từ 600.000 đến 800.000 đồng/kg khiến nhiều ngư dân Kiên Giang bỏ hàng chục triệu sửa tàu thuyền, đầu tư ngư lưới cụ kéo nhau đi khai thác.
Giữa tháng 5/2014, sương sáo bước vào vụ thu hoạch rộ, nhưng thương lái chỉ thu mua tại ruộng với giá 13.000 đồng/kg. Chưa đầy một tháng sau, giá giảm hơn phân nửa, chỉ còn 6.000 đồng/kg mà nông dân vẫn không bán được. Người dân miền Tây "chết đứng".
Những ngày đầu tháng 6/2014, tại Bình Thuận, khi thanh long chính vụ sắp trổ bông, nhiều nơi dựng bảng thu mua bông với giá 3.500 đồng/kg. Điều đặc biệt là thương lái chỉ thu mua bông thanh long trước khi nở một ngày, không phân biệt lớn nhỏ, và không lấy bông đã nở.
Tháng 10, người dân các tỉnh thành ĐBSCL kéo nhau chống xuồng săn ốc bươu vàng. "Nghe nói từ T.p HCM, họ sẽ chuyển ốc đến Lào Cai, sang tay cho thương lái người TQ. Còn chuyện họ mua làm gì thì chúng tôi không rõ" - lãnh đạo ngành nông nghiệp Long Mỹ nói.
Cuối tháng 10, nhiều tiểu thương ở Chi Lăng đi thu gom hạt na chở sang TQ bán. Trước thông tin người TQ thu mua hạt na về ươm giống, người dân địa phương lo lắng sau vài năm nữa giống na Chi Lăng sẽ phải cạnh tranh với chính "người anh em" của mình khi lứa cây mới trồng cho thu hoạch.
Đầu tháng 11, việc thu mua rầm rộ "đá lạ" diễn ra tại Kom Tum. Theo một số "con buôn" tại huyện Ngọc Hồi, loại đá thương lái TQ mua với giá cao nhất là "đá mềm", bởi đá có chất lượng tốt, ít bị vẩn đục, rạn nứt, khi dùng ánh sáng đèn pin soi vào có thể xuyên qua và có màu sắc rất đẹp.
Theo Đại Lộ
VEF