Mua cây 28 tỷ đồng, đại gia vẫn khen "rất rẻ", nếu giá gấp đôi vẫn mua
(Dân trí) - Sau cuộc giao dịch thành công tác phẩm sanh cổ “Tiên lão giáng trần” với giá 28 tỷ đồng, đại gia Toàn đô la cho biết: "Thực ra giá mua vẫn còn rẻ. Nếu giá gấp đôi tôi vẫn mua".
Đầu năm nay, một cuộc giao dịch cây sanh cổ “Tiên lão giáng trần” của anh Dường Văn Mười và anh Nguyễn Văn Chí đều trú tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, Hà Nội) gây “chấn động” làng cây cảnh Việt Nam khi giá trị chuyển nhượng lên đến 16 tỷ đồng. Thời điểm đó, đây là cuộc giao dịch đắt nhất trong làng cây cảnh Việt Nam.
Tuy nhiên, vài tháng sau, giới chơi cây cảnh lại xôn xao tác phẩm “Tiên lão giáng trần” được giao dịch với giá 28 tỷ đồng. Cuộc giao dịch được Chủ tịch Hội cây cảnh huyện Thường Tín – ông Nguyễn Hồng Quân livestream trực tiếp cho mọi người xem, để giới chơi cây chứng kiến đây là một cuộc giao dịch thật chứ không phải là ảo.
Trong cuộc giao dịch được phát trực tiếp trên mạng, anh Nguyễn Văn Chí nói thực sự không muốn bán. Lúc anh xác định mua cây là để chơi chứ không bao giờ có ý định bán vì anh thực sự yêu tác phẩm này. "Nếu anh muốn lấy thì đúng 30 tỷ đồng thì em mới bán, kể cả bán với giá 30 tỷ đồng em vẫn rất tiếc", anh Chí nói với anh Toàn.
Anh Phan Văn Toàn – nổi tiếng trong làng cây cảnh với biệt danh Toàn “đô la” (TP Việt Trì, Phú Thọ) khi sở hữu dàn "siêu cây" với giá trị hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng - cho biết: "Thực ra giá mua vẫn còn rẻ. Nếu giá gấp đôi tôi vẫn mua. Phải đưa về giá trị thực của nó, không thể rẻ như thế này được".
"Tôi mong muốn cây Việt Nam ngang với cây thế giới, trên thế giới có những cây 10 triệu USD, tôi cho rằng giá cây Việt Nam rất rẻ", anh Toàn nói.
Chứng kiến cuộc giao dịch này, ông Nguyễn Hồng Quân đánh giá: “Cuộc giao dịch này là cuộc giao dịch lịch sử giúp phát triển làng cây cảnh Việt”.
Sau khi sở hữu được cây cảnh quý, anh Toàn đã lên kế hoạch “rước cây” về đất Tổ sao cho xứng tầm với giá trị của cây.
Dưới đây là hình ảnh lễ rước siêu cây 28 tỷ đồng từ Hà Nội về đất Tổ.