Mua bán USD trên thị trường tự do: Đủ kiểu né kiểm tra
Khi thị trường USD tự do nhộn nhịp trở lại, người kinh doanh buộc phải nghĩ ra đủ cách, tránh bị kiểm tra.
Sáng ngày 19/10, có khách đến mua 1.000 USD, nhân viên trong quầy của bà chỉ làm động tác kiểm đếm tiền, và giúp khách cột lại bằng loại dây thun có hai màu vàng đỏ theo hình chữ thập. Bà sẽ gọi điện cho người khác mang USD đến, hai bên sẽ trao tiền trực tiếp với nhau. Bà nói: “Làm vậy, lỡ bị phát hiện, thì tiệm vàng không dính dáng đến việc mua bán, chỉ giúp khách cột tiền cho gọn thôi”.
Do tết năm tới rơi vào tháng 1 nên tháng 10 này các tiểu thương, doanh nghiệp cần mua USD để thanh toán hàng nhập khẩu. Nhu cầu của khách mua USD ở các tiệm vàng, quầy thu đổi ngoại tệ uy tín, làm ăn lâu năm từ vài chục ngàn lên đến cả triệu USD/ngày.
Giới kinh doanh tính toán, mức lãi mua bán USD hấp dẫn hơn vàng. Nếu tính trên cùng số vốn bỏ ra 43 triệu đồng, thì mua bán vàng chỉ được lãi chừng 300.000 – 500.000 đồng/lượng, nhưng mua bán USD có thể được 1 triệu đồng. Vì vậy, dù rủi ro, nhiều tiệm vàng vẫn tiếp tục mua bán USD, nhưng phải “dòm trước ngó sau”, phải thuê thêm nhân viên bảo vệ làm nhiệm vụ cảnh giác.
Dịch vụ mua bán USD tận nơi cũng đã buộc phải thay đổi cách thức. Như ở tiệm vàng của bà Nguyễn khu vực gần chợ Vườn Chuối quận 3, trước đây một nhân viên làm luôn khâu giao USD và nhận tiền đồng, còn hiện nay phải chia tách làm hai công đoạn để tránh bị rủi ro. Khi khách có nhu cầu gọi điện, nhân viên đến trước sẽ nhận tiền đồng, sau 5 – 10 phút nhân viên đi sau sẽ giao tiền USD.
Ở quầy thu đổi ngoại tệ của ông H. (khá nổi tiếng) trên đường Đồng Khởi quận 1, các nhân viên chỉ bán tại chỗ cho khách quen mà họ biết mặt với số lượng ít (dưới 10.000 USD), còn khách quen mua số lượng nhiều hơn nhân viên hẹn giờ giao tận nơi. Với khách lạ thì quầy chỉ áp dụng mua vào theo giá ngân hàng, tuyệt đối không bán ra.
Ông Lý, chủ tịch hội đồng quản trị công ty may G. tại TP.HCM kể, ông vừa bán được hơn 1 triệu USD thu được từ hợp đồng xuất khẩu hàng may vào giữa tháng 10, theo giá thị trường tự do với cách “đi cặp”.
Cụ thể, ngân hàng quen không thể mua đô la với giá cao hơn niêm yết, vì vậy họ sẽ quy đổi từ USD sang loại ngoại tệ khác (tuỳ thời điểm có thể chọn bảng Anh, euro, USD Canada, USD Úc hay yen Nhật), và từ ngoại tệ khác này doanh nghiệp sẽ bán lại cho ngân hàng để lấy tiền đồng theo giá trị tương đương với giá USD thị trường tự do.
Ông Lý nói: “Tất nhiên, ngân hàng sẽ giúp mình tính toán chọn cặp ngoại tệ nào có lợi, và chịu trách nhiệm tính giá, doanh nghiệp cũng phải chia một phần khoản chênh lệch cho ngân hàng”.