Mua bán chứng khoán qua Internet và điện thoại

Cả nước hiện có 13 công ty chứng khoán đang hoạt động. Trong đó có nhiều công ty đã đưa bảng giá chứng khoán lên trang web của mình nên các nhà đầu tư dù ngồi tại nhà vẫn trực tiếp xem diễn biến giá cả trong từng phiên giao dịch.

VCBS là đơn vị đầu tiên thực hiện đặt lệnh mua bán chứng khoán qua Internet. Chữ ký điện tử chưa được pháp lý công nhận nên nhà đầu tư vẫn phải ký lệnh giấy.

90% lệnh đặt qua Internet

Tuy nhiên, hiện mới có Công ty Chứng khoán VCBS (thuộc Ngân hàng Ngoại thương VN) là đơn vị ứng dụng công nghệ Internet vào việc giao dịch mua bán chứng khoán.

Ký khống lệnh

Do chữ ký điện tử tại VN chưa được pháp lý công nhận nên các nhà đầu tư đã đặt lệnh mua bán qua Internet hay điện thoại thì vẫn phải bổ sung bằng lệnh viết trên giấy để công ty chứng khoán lưu trữ làm chứng từ đối chiếu khi cần.

Phần nhiều các nhà đầu tư mua bán chứng khoán qua Internet hoặc qua điện thoại đều đã ký nhiều lệnh khống gửi sẵn tại công ty chứng khoán để nhân viên môi giới điền giúp một số thông tin như mã chứng khoán, số lượng, giá...

Nếu không, nhà đầu tư trực tiếp bổ sung lệnh sau khi giao dịch xong, gửi qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến nộp cho công ty chứng khoán. 

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Chi nhánh VCBS tại TPHCM, cho biết nhờ có nền tảng công nghệ điện tử hiện đại của ngân hàng mẹ nên VCBS đã mạnh dạn triển khai dịch vụ mua bán chứng khoán qua Internet.

Công ty đã thuê đường truyền riêng (công suất 512 kbs) từ Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM về chi nhánh. Rồi từ chi nhánh truyền thẳng ra hội sở công ty tại Hà Nội và các điểm giao dịch khác trên cả nước theo đường truyền của Ngân hàng Ngoại thương VN. Nhờ đó, các nhà đầu tư trên cả nước có thể thực hiện mua bán chứng khoán trên trang web của VCBS.

Anh Nguyễn Việt Hưng (Nguyễn Thông, quận 3 - TPHCM) cho biết, hằng tháng ngồi tại nhà anh vẫn giao dịch thành công khoảng 10 lệnh mua bán cổ phiếu trên sàn. Hơn 1 năm nay anh mua bán chứng khoán qua Internet nhưng chưa bị trục trặc lần nào.

Còn anh Hồ Văn Toàn, Công ty Cổ phần Thương nghiệp tổng hợp và Chế biến lương thực Thốt Nốt (Cần Thơ), dù xa Trung tâm Chứng khoán TPHCM nhưng vẫn giao dịch mua bán chứng khoán trên Internet đã 2 năm nay...

Muốn mua bán trên mạng, nhà đầu tư cần ký một hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán, đồng thời đăng ký giao dịch qua Internet. Sau khi đã nộp tiền vào tài khoản, nhà đầu tư lên mạng (www.vcbs.com.vn) và bấm chuột vào mục bảng giá trực tuyến, giao dịch trực tuyến, rồi nhập mã truy cập và mật khẩu.

Tiếp đó nhà đầu tư nhập các thông tin cần thiết phục vụ cho việc mua bán chứng khoán... Sau khi lệnh của khách hàng được nhập vào mạng của VCBS, ngay tức thì nó sẽ được chuyển vào hệ thống của Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Kết quả giao dịch (thành hoặc không thành) của khách hàng sẽ được nhân viên môi giới của VCBS thông báo ngay trên mạng. Theo ông Sơn, trong số 200 lệnh đặt mua bán chứng khoán hằng ngày tại VCBS có khoảng 90% lệnh thực hiện qua Internet.

Tin tưởng vì quen giọng nói

Anh Huỳnh Văn Thắng, Trưởng Phòng Giao dịch Công ty Chứng khoán Ngân hàng Á Châu (ACBS), cho biết: Để tạo thuận tiện cho những nhà đầu tư chứng khoán không có điều kiện đến sàn, ACBS thực hiện việc nhận lệnh mua bán của nhà đầu tư qua điện thoại.

Khách hàng đã mở tài khoản, đã từng giao dịch trước với ACBS, chỉ việc ký thêm một phụ kiện thỏa thuận thực hiện qua điện thoại, đăng ký số điện thoại bàn, điện thoại di động để gọi, là có thể ngồi tại nhà, tại cơ quan mà vẫn mua bán được những cổ phiếu theo ý mình.

Khi thấy giá chứng khoán trên mạng lên hoặc xuống đúng nguyện vọng của mình, nhà đầu tư gọi điện cho người phụ trách môi giới để đặt lệnh mua hoặc bán. Người môi giới dù đã quen giọng nói của nhà đầu tư vẫn có thể hỏi thêm người gọi về mã số tài khoản, số chứng minh nhân dân... để thẩm tra.

Thấy tin tưởng nhân viên môi giới sẽ thực hiện lệnh mua bán cho nhà đầu tư. Kết quả giao dịch sẽ được thông báo đến nhà đầu tư qua điện thoại. Trong số 150 giao dịch chứng khoán mỗi ngày tại ACBS có khoảng 40% lệnh đặt qua điện thoại.

Theo Người lao động