1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Mua bán cà phê với thế giới: Đầu cơ, nhưng thiếu hiểu biết

Chỉ mới khảo sát ở 9 trong số 20 đơn vị thuộc tỉnh Đắc Lắc có giao dịch mua bán cà phê thông qua các hợp đồng tương lai, đã thấy hầu hết bị thua lỗ.

Lần đầu tiên ở nước ta, loại giao dịch hợp đồng tương lai đối với mua bán cà phê được thực hiện vào ngày 26/11/2004 giữa Cty đầu tư xuất nhập khẩu Đắc Lắc (Inexim Dak Lak) với sàn giao dịch Liffe (London Internationnal Financial Futures & Options Exchange), thông qua nhà môi giới Techcombank (Ngân hàng Kỹ thương VN, nơi thực hiện ký quỹ). Từ đó đến nay, đã có nhiều DN thực hiện phương thức mua bán này đạt hiệu quả khá cao.

 

Hợp đồng tương lai (Futures Contract) là thoả thuận được tạo lập trên một sàn giao dịch có tổ chức để mua bán một loại hàng hoá tiêu chuẩn tại một ngày định trước trong tương lai với mức giá được xác định trong thời điểm hiện tại. Hình thức mua bán này được xem như một công cụ hạn chế rủi ro của nhà kinh doanh.

Tuy vậy, qua khảo sát của Sở Thương mại-Du lịch và một số ngành khác của tỉnh Đắc Lắc, thì ngoại trừ một số DN lớn có kinh nghiệm về hoạt động này đạt được kết quả tốt, còn chỉ mới khảo sát 9 đơn vị trong tổng số 20 đơn vị mua bán theo hình thức này đã thấy hầu hết bị thua lỗ. Tổng số tiền thua lỗ ước tính khoảng 31 tỉ đồng.

 

Theo một thành viên của đoàn khảo sát thì thua lỗ chủ yếu do các DN, cá nhân không nhận thức đầy đủ về phương thức này: Không xem nó như một công cụ phòng, chống rủi ro khi thị trường biến động, mà tham gia giao dịch mang tính đầu cơ, “đỏ, đen”, đặt lệnh mua bán khống, không có cà phê robusta vẫn tham gia giao dịch với thị trường Liffe (London), không có cà phê arabica vẫn giao dịch với thị trường Nybot (New York).

 

Điều đáng nói nữa là một số DN đã tự đứng ra làm trung gian giao dịch để thu phí bất hợp pháp từ các đối tượng không đủ điều kiện giao dịch với Techcombank, trong khi các đối tượng chưa được khuyến cáo đầy đủ, chưa hiểu biết sâu về phương thức này và thực sự không có càphê, năng lực tài chính lại quá nhỏ bé so với các đại gia nước ngoài, vì thế việc thua lỗ là tất yếu...

 

Ông Vân Thành Huy - Chủ tịch Hiệp hội Càphê-Cacao VN (Vicofa) kiêm GĐ Inexim Dak Lak - cho rằng: Các DNVN mới bắt đầu làm quen với phương thức mua bán này, kinh nghiệm chưa nhiều, năng lực tài chính không mạnh, nên phải biết lượng sức mình mà giao dịch cho phù hợp.

 

Ông Lê Văn Hùng - PGĐ Simexco Đak Lak-đề nghị: Các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn các tổ chức, cá nhân thực hiện mua bán theo hình thức hợp đồng tương lai để thu phí mà không qua các tổ chức môi giới, đồng thời cũng phải có biện pháp với các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, nhưng không có cà phê thật.

 

Theo Đ.B.Tiến

Báo Lao động