Đồng Nai:

Một tháng bắt gần 40 vụ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

(Dân trí) - Cục Hải quan Đồng Nai vừa có báo cáo về hoạt động kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thú y và thức ăn chăn nuôi giả. Kết quả lực lượng chức năng Đồng Nai đã phát hiện khoảng 40 vụ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Cụ thể, Đồng Nai đã xử lý hơn 38 vụ, cảnh cáo hơn 2 trường hợp và phạt số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và một số địa phương phía Nam, có nhiều dư luận về sử dụng chất cấm, chất tăng trọng tràn lan trong năm nuôi gia súc, gia cầm, điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng mà còn đặc biệt nguy hại đến tính mạng người sử dụng sản phẩm thịt động vật nói trên.

Trước đó, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), Cục Thú Y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Tổng cục Hải quan và Lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã chỉ đạo các lực lượng chức năng địa phương ngăn chặn và xử lý những trường hợp cá nhân, doanh nghiệp sử dụng các chất cấm, chất bảo quản trong chăn nuôi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã cung cấp đường dây nóng tố giác vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là sản xuất, kinh doanh các chất cấm trong chăn nuôi có sử dụng một trong các chất cấm như salbutamol, clenbuterol, vàng ô...

Theo đó, mỗi lần phát hiện, tố giác trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, người dân, cá nhân và tập thể sẽ được Bộ Nông nghiệp thưởng trực tiếp tối đa 5 triệu đồng.

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, cơ quan này cũng vừa phát đi văn bản yêu cầu các tỉnh thành địa phương ra quân chống nhập lậu gia súc, gia cầm từ nay đến cuối năm.

Đồng thời, để hạn chế thực phẩm bẩn tại các cục, chi cục Hải quan địa phương, Tổng cục Hải quan đề nghị, các lực lượng liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Quản lý Thị trường phối hợp thực hiện chống thực phẩm bẩn trên toàn quốc.

Theo khẳng định của ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hành vi sử dụng chất cấm, lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi được coi là tội phạm. Trên thực tế, theo Điều 317, Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2016, các trường hợp phạm tội về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị phạt tù từ 3 tháng tới 3 năm, thậm chí nếu có tình tiết cố ý, gây chết người và có dấu hiệu tăng nặng tội phạm có thể bị phạt tù lên đến 20 năm.

Nguyễn Tuyền