Một đợt kiểm toán: Rút ngắn 5 năm thu phí BOT
Thay vì phải trả tiền phí khi qua trạm BOT Cổ Chiên (Trà Vinh) tới 20 năm, tới đây, người dân sẽ chỉ phải trả tiền phí cho 14 năm rưỡi, rút ngắn được 5 năm rưỡi.
Đây là kết quả mà Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra sau khi hoàn thành kiểm toán việc thu phí ở trạm BOT Cổ Chiên (Trà Vinh), ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước, cho biết.
Theo ông Phớc, khi tiến hành kiểm toán dự án BOT Cổ Chiên, đã có sự tranh chấp về việc cơ quan nào sẽ tiến hành kiểm tra, kiểm toán.
Ban đầu, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi phản đối tới Kiểm toán Nhà nước, cho rằng, trạm thu phí BOT là của tư nhân, do tư nhân vay tiền ngân hàng đầu tư chưa bàn giao cho Nhà nước nên không phải thuộc phạm vi do nhà nước kiểm toán. Muốn thành tài sản của nhà nước thì phải 20 năm nữa, sau khi bàn giao mới được kiểm toán.
Bộ KH-ĐT cũng phát văn bản yêu cầu không được kiểm toán các trạm BOT, đặc biệt là trạm BOT về giao thông.
“Chúng tôi phải có văn bản giải thích cho Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT rằng những trạm BOT là tài sản của công cộng, do Nhà nước quản lý, còn các DN là được Nhà nước ủy quyền để đầu tư. Hơn nữa phí qua trạm BOT là thu theo Thông tư 12 của Bộ Tài chính là do Nhà nước quản lý mà phí do Nhà nước quản lý thì Nhà nước cần phải kiểm soát, nên họ phải chịu”, ông Phớc cho hay.
Năm 2016, Kiểm toán Nhà nước lập kế hoạch kiểm toán 13 trạm BOT, nhưng chưa kịp ra quyết định kiểm toán thì thanh tra chuyên ngành, như thanh tra của Bộ KH-ĐT, đã ra quyết định kiểm toán trước nên không làm được.
Ông Phớc cho biết, Kiểm toán Nhà nước đang kiểm toán 6 trạm BOT, trong đó vừa hoàn thành kiểm toán trạm Cổ Chiên. Kết quả, cơ quan này kiến nghị giảm thời gian thu phí xuống còn 5 năm rưỡi, thay vì 20 năm như hiện nay. 5 trạm BOT còn lại vẫn đang trong quá trình kiểm toán.
Cái khó của Kiểm toán Nhà nước, theo ông Phớc, là phải chờ Bộ KH-ĐT làm xong thì Kiểm toán Nhà nước mới làm lại để chứng minh họ làm đúng hay không.
“Đáng ra, thanh tra Bộ KH-ĐT, Bộ Xây dựng phải tôn trọng kế hoạch của Kiểm toán Nhà nước vì kế hoạch này đã được Quốc hội phê chuẩn và được công khai, trước khi thực hiện chúng tôi còn gửi văn bản thỏa thuận đến cơ quan thanh tra chuyên ngành các bộ”, ông Phớc nói.
Là một trong bốn cầu lớn trên quốc lộ 60, cầu Cổ Chiên là điểm kết nối quan trọng giữa quốc lộ này với các tuyến đường thuộc hành lang duyên hải phía đông đồng bằng sông Cửu Long gồm Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng.
Công trình được đưa vào sử dụng ngày 16/5/2015, rút ngắn 70 km hành trình từ TP.HCM đến Trà Vinh, Sóc Trăng.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng, hiện các trạm thu phí được đặt quá dày đặc, lại tăng giá, làm ảnh hưởng đến chi phí hoạt động, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Chẳng hạn, đoạn đường từ Đăk Nông đến bến xe Miền Đông (TP.HCM) trung bình cứ 40km có một trạm thu phí; hay đường từ Thái Bình đi Hà Nội chỉ 105 km mà có tới 4 trạm thu phí. Có đoạn mới phủ thêm lớp nhựa nhưng vẫn thu phí cao như trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ mức phí 45.000 đồng đối với xe 9 chỗ,... Điều này gần đây gây ra nhiều bức xúc đối với các cá nhân, doanh nghiệp tham gia lưu thông.
Ngọc Hà