Một doanh nhân địa ốc bất ngờ được xướng tên trên sân chơi tỷ đô

(Dân trí) - Tuần qua, thêm một đại gia Việt sở hữu tài sản tỷ USD trên sàn chứng khoán xuất hiện. Đáng nói, vị đại gia này không nổi bật như các doanh nhân tỷ USD trước đây.

Thêm một đại gia Việt sở hữu tài sản tỷ USD

Tuần qua, danh sách người giàu sở hữu tài sản tỷ USD trên sàn chứng khoán Việt Nam bất ngờ ghi nhận thêm một nhân vật mới. Đó là ông Nguyễn Văn Đạt , Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt.

Một doanh nhân địa ốc bất ngờ được xướng tên trên sân chơi tỷ đô - 1

Chủ tịch Phát Đạt, ông Nguyễn Văn Đạt (Ảnh: PDR).

Với gần 298 triệu cổ phiếu Phát Đạt (mã chứng khoán PDR), tài sản của ông Đạt trên sàn chứng khoán ước tính hơn 26.000 tỷ đồng (1,1 tỷ USD). Hiện ông đang đứng thứ 6 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. 

Tuy nhiên, theo thống kê của Forbes, hai ông chủ của Phát Đạt và Novaland chưa được công nhận là tỷ phú USD. Forbes đánh giá tài sản của các tỷ phú dựa trên giá trị cổ phiếu, các công ty riêng, bất động sản, tác phẩm nghệ thuật và loại trừ các khoản nợ.

Cú chốt lời "thần sầu" của sếp Đất Xanh

Thị trường chứng khoán tuần qua xôn xao với động thái bán tháo của nhà đầu tư đối với cổ phiếu DXG của Đất Xanh. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ kế hoạch phát hành ESOP (cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ công nhân viên) với giá 0 đồng. 

Trong nỗ lực nhằm "xoa dịu" cổ đông và nhà đầu tư, sau đó Đất Xanh phát hành thông cáo nhấn mạnh rằng, đối với đợt phát hành ESOP này, tập đoàn dự kiến áp dụng chính sách phong tỏa trong vòng 5 năm để đảm bảo tính cam kết của đội ngũ nhân sự.

Song, thêm một thông tin khác từ Đất Xanh lại khiến cộng đồng nhà đầu tư xôn xao. Theo đó, trong hai ngày 3/6 và 4/6, ông Nguyễn Trường Sơn , Phó Tổng giám đốc Đất Xanh, đã bán ra 690.000 cổ phiếu DXG.

Ông Sơn đã chốt lãi đúng vùng đỉnh của DXG kể từ khi mã này lên sàn cho tới nay. Ngay sau đó, DXG lao dốc không phanh. Cú chốt lãi "thần sầu" của sếp Đất Xanh đã khiến nhiều cổ đông của doanh nghiệp ngỡ ngàng.

Bầu Đức trả nốt khoản nợ hơn 400 tỷ đồng

Ngày 11/6 vừa qua, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai thông báo hoàn tất mua lại trước hạn toàn bộ 407 tỷ đồng dư nợ trái phiếu còn lại của trái chủ HDBank. Lô trái phiếu trên được tập đoàn của Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức ( bầu Đức ) phát hành năm 2016 với kỳ hạn 7 năm. Thời gian thanh toán theo hợp đồng từ 30/6/2021 đến cuối năm 2023. 

Trong tháng 5, doanh nghiệp phố núi chi 328 tỷ đồng để mua lại trước hạn một phần khoản vay trái phiếu trên. Bầu Đức đang thể hiện quyết tâm giảm nợ vay như chia sẻ với cổ đông. 

"Quan điểm của tôi rất rõ ràng. Giải quyết nợ là ưu tiên số một. Chuyện lời lỗ tính sau. Còn nợ lâu dài, công ty mãi không tốt được", ông bầu bóng đá nổi tiếng khẳng định với nhà đầu tư tại họp đại hội cổ đông bất thường của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) tổ chức đầu năm nay. 

Tham vọng của "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn

Mới đây, Công ty cổ phần IPP Air Cargo mà ông Johnathan Hạnh Nguyễn là Chủ tịch Hội đồng quản trị đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thành lập hãng hàng không chở hàng. Đây là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) có trụ sở tại TPHCM, tập đoàn kinh doanh bán lẻ và chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế tại Việt Nam.

Một doanh nhân địa ốc bất ngờ được xướng tên trên sân chơi tỷ đô - 2

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã nộp hồ sơ xin thành lập hãng hàng không chở hàng (Ảnh: IPP Group).

Tuy nhiên, IPP Air Cargo của bố chồng Hà Tăng lại đăng ký giấy phép kinh doanh với ngành nghề chính là vận tải hàng hóa hàng không. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn đặt ra tham vọng, nếu được cấp phép, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, hãng sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hóa, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ ba.

Mục tiêu thành lập hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn không phải để chở khách thương mại mà là chở hàng - phân khúc vận tải có tiềm năng lớn và không nhiều đối thủ trong nước để cạnh tranh thị phần. Đây có thể là bước đi khác biệt của "vua hàng hiệu" so với ông chủ của các hãng bay trước đó.

Bởi theo lãnh đạo Cục hàng không, hiện nay ở Việt Nam chưa có hãng hàng không chuyên biệt về chở hàng hóa, các hãng đang hoạt động đều tập trung cho vận tải hành khách. Trong khi đó, hầu hết thị phần vận tải hàng hóa qua đường hàng không quốc tế của Việt Nam đang do hãng nước ngoài khai thác, vì vậy, nếu Việt Nam có một hãng bay chở hàng thì cũng hợp lý.