Một doanh nghiệp than cầu cứu Thủ tướng “chỉ đạo” EVN mua sản phẩm

(Dân trí) - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc đề nghị giải quyết kiến nghị cử tri.

Một doanh nghiệp than cầu cứu Thủ tướng “chỉ đạo” EVN mua sản phẩm - 1

Qua tiếp nhận ý kiến kiến nghị của cử tri khối doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho biết, Công ty cổ phần Hợp Nhất đang thực hiện khai thác than tại mỏ Đông Nam Chũ và mỏ Nước Vàng (thuộc tỉnh Bắc Giang) với quy mô 500.000 tấn/năm, tạo việc làm ổn định cho gần 1.000 người lao động địa phương.

"Trong thời gian qua, tiêu thụ than gặp nhiều khó khăn, tồn kho của công ty này tăng rất cao, đến nay lên tới 1 triệu tấn than sạch, làm ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp”, văn bản nêu.

Hiện, Công ty cổ phần Hợp Nhất đang tạm dừng sản xuất ở các lò chợ, chỉ thực hiện đào các đường lò khai thông và xén cửa, cùng cố các đường lò.

“Việc tạm dừng sản xuất dẫn đến nguy cơ người lao động thiếu việc làm, mất việc làm, nguy cơ mất an toàn lao động do các công trình mỏ, phương tiện khai thác xuống cấp do không được vận hành thường xuyên”, Đoàn đại biểu Bắc Giang cho hay.

Nhằm giải quyết tồn kho, Công ty cổ phần Hợp Nhất đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thống nhất kế hoạch cung cấp than.

Do đó, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đề nghị Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, chỉ đạo các đơn vị liên quan tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Hợp Nhất được cung cấp than vào các nhà máy điện của EVN trong năm 2017 và các năm tiếp theo như phương án đã được EVN thống nhất với doanh nghiệp.


Văn bản đề nghị chỉ đạo mua than rất lạ

Văn bản đề nghị chỉ đạo "mua than" rất lạ

Thời gian gần đây, việc mua than của EVN với các công ty trong nước thuộc TKV xảy ra nhiều quan điểm trái chiều. Tháng 5/2017, EVN đề xuất lên Chính phủ được điều chỉnh lại số lượng than nhận của TKV từ 19,92 triệu tấn xuống 17,92 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so kế hoạch.

Ngay lập tức, phía TKV lên tiếng bác bỏ với lý do việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn này trong năm nay. Theo tính toán từ TKV, nếu EVN giảm mua than, sẽ có hàng ngàn công nhân, lao động của tập đoàn này đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Do đó, tập đoàn này đang tính phương án thuyết phục ngành điện xem xét lại đề xuất giảm mua than của TKV để mua của đối tác bên ngoài.

Trước tình huống này, đại diện EVN khẳng định không có chuyện EVN bỏ mua than của TKV để mua của đối tác nước ngoài. Theo lãnh đạo EVN, việc tập đoàn này không muốn mua than của TKV vì giá cao, sẽ làm cho chi phí, giá thành sản xuất điện tăng lên. Thậm chí là sẽ khiến ngành điện phải gánh thêm khoản lỗ lớn do giá than.

Do đó, thay vì mua của TKV, EVN có thể mua của các doanh nghiệp khác trong nước với mức giá hợp lý hơn, chấp nhận được mà than vẫn đảm bảo chất lượng cho phát điện. "Các doanh nghiệp than khác trong nước, ngoài TKV và Tổng Công ty Đông Bắc, cũng sản xuất được than có giá thành hợp lý với cung cầu thị trường. Cũng vì không chốt được giá và số lượng mua than của TKV nên gần đây, EVN đang tìm bổ sung nguồn than mới” – đại diện EVN chia sẻ.

Văn bản trên khá bất thường bởi hiện nay, việc mua bán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ dù giữa các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước với nhau cũng phải theo cơ chế thị trường, tuân theo quy luật cung cầu, giá cả của thị trường, thuận mua vừa bán. Đơn vị này không mua, doanh nghiệp có thể bán cho đơn vị khác.

"Không thể vì than đắt, chất lượng không tốt so với than của đơn vị khác hay so với than nhập khẩu mà bắt buộc một tập đoàn khác phải mua bằng “chỉ đạo”. Việc mua than giữa EVN và TKV phải được đặt trong bối cảnh EVN công khai minh bạch. từ trước tới nay đều thông qua đấu thầu. Hơn nữa EVN cũng là một doanh nghiệp nhà nước, nên bài toán lãi lỗ, chi phí phải tính toán chặt chẽ", trao đổi với Dân trí, một chuyên gia kinh tế nhận xét.

Anh Thư