Ngành than "than" có một năm khó khăn nhất trong lịch sử
(Dân trí) - Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch năm 2016 và mục tiêu nhiệm vụ năm 2017 của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) công bố ngày 6/1 cho biết, năm 2016 là một năm khó khăn nhất kể từ khi thành lập đối với TKV.
Theo báo cáo của TKV, năm 2016 doanh thu toàn tập đoàn ước thực hiện 101.180 tỷ đồng, trong đó doanh thu sản xuất than chiếm phần lớn 51.120 tỷ đồng. Lợi nhuận ước tính của TKV trong năm 2016 vừa qua đạt trên 800 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2015.
Báo cáo cũng cho biết, tổng số lao động đến ngày 31/12/2016 vừa qua là 112.800 người trong đó lao động cho sản xuất than là 77.000 người, Theo TKV, từ năm 2015 đến tháng 10/2016 đã giảm 8.000 lao động.
Về nhiệm vụ năm 2017, TKV dự kiến tổng doanh thu của toàn tập đoàn đạt 106.865 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2016. Trong đó, sản xuất than dự kiến đạt 54.304 tỷ đồng, khoáng sản đạt 11.399 tỷ đồng, điện lực 11.575 tỷ đồng, sản xuất kinh doanh khác 23.002 tỷ đồng… Lợi nhuận của toàn tập đoàn theo dự kiến là 1.000 tỷ đồng, hoặc cao hơn.
Cũng trong ngày 6/1, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2016 và Triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành công thương, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV TKV cho biết, doanh thu ngành than giảm 5% trong năm 2016 nhưng đóng góp cho nhà nước vẫn tăng 1.500 tỷ đồng. Trung bình, lao động ngành than nhận lương 8,5 triệu đồng/tháng. Riêng công nhân hầm lò, những người trực tiếp khai thác than, mức lương bình quân là 11,5 triệu đồng.
Theo lãnh đạo TKV, trước những khó khăn, ngành than cũng đang nỗ lực tiết kiệm chí phí, rà soát và tiết giảm những dự án không cần thiết. Nhiều dự án trọng điểm được đưa vào hoạt động, khoa học công nghệ, quản trị doanh nghiệp, tài nguyên và đầu tư được áp dụng vào hoạt động ngành. Tái cơ cấu ngành than cơ bản được hoàn thành. Đến thời điểm hiện tại, 61/79 doanh nghiệp của ngành đã được cổ phần hóa, vốn nhà nước chiếm khoảng 46%.
Tại hội nghị, lãnh đạo ngành than cũng kiến nghị một số cơ chế ưu đãi để đảm bảo phát triển ngành trong năm 2017, khắc phục những tồn tại và khó khăn.
Theo đó, đề nghị chính phủ và các bộ, ban, ngành điều hành cung cầu của thị trường than Việt Nam, ưu tiên sử dụng than do trong nước sản xuất. Đồng thời, sớm phê duyệt tái cơ cấu ngành than giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 58 của Thủ tướng Chính phủ cũng như đưa ra cơ chế, chính sách để ngành than có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực.
Phương Dung