1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Một chiếc phô mai, hai bộ quản lý

(Dân trí) - Mặt hàng sữa chua, sữa bột, phô mai, bột mì… vừa phải kiểm dịch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa phải kiểm tra An toàn thực phẩm (ATTP) theo quy định của Bộ Công Thương.

Trong báo cáo về hiện trạng danh mục hàng hoá phải kiểm dịch trước khi thông quan, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan nêu rõ nhiều bất cập trong kiểm tra chuyên ngành liên quan đến Bộ NN&PTNT.


Quản lý chuyên ngành tại nhiều bộ, ngành đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân (ảnh minh hoạ)

Quản lý chuyên ngành tại nhiều bộ, ngành đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân (ảnh minh hoạ)

Cụ thể, trong danh mục hàng hóa phải kiểm dịch động vật và danh mục hàng hóa phải kiểm dịch thủy sản trước khi thông quan, hiện Bộ NN&PTNT chưa có chi tiết tên hàng và chưa có mã số HS nên dẫn đến phạm vi hàng hóa phải kiểm dịch rất rộng, các sản phẩm này phần lớn là từ thịt, sữa…

Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng trước thông quan thuộc trách nhiệm của Bộ NN&PTNT hiện có phạm vi quá rộng, bao trùm gần như toàn bộ hàng hóa thuộc diện quản lý của bộ.

Bên cạnh đó, danh sách các hàng hoá chưa chi tiết và chưa kèm mã HS, nên nhiều hàng hóa phải kiểm tra nhưng chưa quy định quy trình, thủ tục kiểm tra, chưa có tiêu chuẩn hay quy chuẩn kỹ thuật.

Trên thực tế, theo báo cáo của Bộ Tài chính hiện vẫn còn một số nhóm hàng chưa chi tiết tên hàng và mã số HS. Cụ thể như sữa tươi nguyên liệu, các sản phẩm có chứa mật ong, sáp ong, phấn hoa, sữa ong chúa, dụng cụ, vật liệu, bao gói chứa đựng thực phẩm… Danh mục hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan cũng rất rộng.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan năm 2016, cả nước có trên 400.000 tờ khai xuất nhập khẩu phải kiểm dịch thuộc trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, nhưng chỉ có 49 tờ khai phát hiện vi phạm, chiếm 0,01% trên tổng số tờ khai phải kiểm tra. Việc kiểm tra quá nhiều nhưng các mặt hàng không phát sinh vi phạm, không phát sinh rủi ro đã khiến nhiều bất cập trong quản lý.

Bộ Tài chính cho biết, việc kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan, bắt buộc DN phải lưu kho, lưu bãi và làm các thủ tục quản lý xuất nhập khẩu đã gây mất thời gian, tiền bạc của DN. Trong khi đó, các thủ tục của các Bộ chuyên ngành hiện chồng chéo, gây bức xúc dư luận.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính các mặt hàng sữa chua, sữa bột, phô mai, bột mì… theo quy định quản lý chuyên ngành vừa phải kiểm dịch theo quy định của Bộ NN&PTNT vừa phải kiểm tra ATTP theo quy định của Bộ Công Thương.

Chính vì thế, Bộ Tài chính đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành (Y tế và Công Thương) rà soát danh mục hàng hóa phải kiểm dịch và danh mục hàng hóa phải kiểm tra ATTP trước thông quan. Đề nghị chỉ áp dụng một hình thức kiểm tra trước thông quan, rút gọn danh mục hàng hóa phải kiểm tra đặc biệt đối với các mặt hàng đã qua chế biến sâu.

Trường hợp đối với mặt hàng có độ rủi ro cao cần phải thực hiện cả 2 loại hình kiểm tra thì thống nhất đưa về một đơn vị/cơ quan đầu mối. Tránh việc DN phải đến hai cơ quan kiểm tra cho cùng một mặt hàng nhập khẩu. Còn đối với những mặt hàng rủi ro thấp, đặc biệt mặt hàng chế biến sâu, đóng hộp thì chỉ thực hiện quản lý sau thông quan, dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn để giám sát.

An Linh