Thủ tướng: Giải quyết triệt để tình trạng thanh, kiểm tra chồng chéo doanh nghiệp
(Dân trí) - Chủ trì Hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp đang diễn ra sáng nay (17/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành quyết liệt hơn trong việc gỡ bỏ các rào cản kinh doanh, giải quyết triệt để nạn thanh tra, kiểm tra chồng chéo tại các doanh nghiệp.
Hội nghị năm nay có chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, có quy mô gấp 4 lần năm 2016 với khoảng 2.000 đại biểu, trong đó, khoảng 1.500 đại biểu là các doanh nghiệp tư nhân.
Thủ tướng: Giải quyết triệt để hiện tượng chồng chéo, trùng lắp thanh tra, kiểm tra
Phát biểu chỉ đạo khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại lời của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi “tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Pari”; chí sĩ Lương Văn Can “việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy”... và cho rằng những bài học, hoài bão của tiền nhân sẽ là cảm hứng cho đội ngũ doanh nhân hiện nay khởi nghiệp và phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh, tuy đã làm được nhiều việc nhưng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước, bởi hiện nay, vẫn còn rất nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Bích Diệp
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ bảo đảm quyền tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, giải quyết triệt để hiện tượng chồng chéo, trùng lắp trong công tác thanh tra, kiểm tra; bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, tạo dựng niềm tin, sự an tâm cho doanh nghiệp khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Chủ tịch VCCI: Vẫn còn tình trạng "trên bảo, dưới không nghe"
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, Nghị quyết 35 được đánh giá là nghị quyết đầu tiên của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp ở nước ta.
Nghị quyết đưa ra 3 thông điệp căn bản: Doanh nghiệp là động lực phát triển đất nước; Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, phục vụ và Nhân dân Khởi nghiệp (theo nghĩa rộng nhất của từ này) là sự nghiệp của toàn dân.
Ông Vũ Tiến Lộc: "Boeing cũng sẽ rất khó nếu kinh doanh ở Việt Nam"
Việc ban hành một Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong thời gian ngắn “kỷ lục”, với các mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ giải pháp hiệu quả, khả thi và phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng. Điều này đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, thân thiện nhằm xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
Theo phản ánh của cộng đồng DN, một số bộ ngành đã khởi động nhiều chương trình lớn, quan trọng với doanh nghiệp, ví dụ như: Bộ Tài chính đã triển khai rất sớm Nghị quyết, thực hiện cải cách quyết liệt trong lĩnh vực thuế, hải quan. Bộ Công an đã tích cực triển khai áp dụng visa điện tử. Bộ Công thương bãi bỏ thông tư 37 về formaldehyde với dệt máy, bỏ thủ tục dán nhãn năng lượng, bỏ quy hoạch xuất khẩu gạo...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nông nghiệp nông thôn… Bộ Xây dựng bỏ yêu cầu xây dựng quy hoạch 1:500 đối với dự án phát triển nông nghiệp…
Nhiều DN đã hưởng lợi từ sự thay đổi này. Ông Lộc dẫn ví dụ, bà Phạm Kiều Oanh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May Nhà Bè (NBC), nói bà “mừng rơi nước mắt” khi nghe tin Thông tư 37 được bãi bỏ. “Từ giờ trở đi, May Nhà Bè sẽ không phải tiêu tốn 4.500 đô la mỗi tháng cho thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyde nữa.”
Một số địa phương đi đầu trong việc triển khai Nghị quyết như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Tháp… Hà Nội đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến; Quảng Ninh đi đầu trong việc tổ chức lại công tác xúc tiến đầu tư và triển khai thực hiện Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận, huyện, sở, ban, ngành.
Đà Nẵng đi đầu trong việc xây dựng mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, xử lý thủ tục hành chính theo phương châm hết việc chứ không phải hết giờ. Đồng Tháp đi tiên phong trong cơ chế đối thoại, giải quyết khó khăn vướng mắc, hỗ trợ cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, duy trì “cà phê doanh nhân” hàng tuần. Bắc Ninh có mô hình Bác sỹ doanh nghiệp… Những thực tiễn tốt này đang được lan tỏa.
Mặc dù vậy, theo Chủ tịch VCCI, chúng ta vẫn chưa thể thỏa mãn với những gì đã đạt được. Các doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng vô cùng khó khăn. Hiệu suất sinh lợi trên tài sản của các doanh nghiệp trong nền kinh tế đã giảm từ 6,6% năm 2012 xuống còn 3,2% năm 2015.
Trong các tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tuy có tăng nhưng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể cũng bằng một nửa số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Nguyên nhân chính vẫn là do môi trường kinh doanh vẫn còn vô vàn khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết, tháo gỡ. Những kết quả đã đạt được mới chỉ là bước đầu và còn quá nhỏ so với những bất cập đang còn tồn tại, đã tích tụ từ nhiều năm.
Chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực như Singapore hay Malaysia. Đặc biệt là chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, cao hơn 2 lần so với Singapore. Tương tự như vậy, chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines... Chưa kể chi phí logistic ở mức cao, chi phí không chính thức.
Giảm chi phí cho doanh nghiệp đang là yêu cầu cấp thiết, song ông Lộc cũng lưu ý, giảm chi phí không phải là tất cả.
“Gần đây, khi nói đến Chính phủ kiến tạo, chúng ta hay nói nhiều đến hỗ trợ, đến ưu đãi… nhưng cái cần nhất với doanh nghiệp không phải là hỗ trợ, nhất là hỗ trợ về tài chính, nếu có thì hỗ trợ nên theo hướng giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực về quản trị chứ không hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh.
Hỗ trợ không nên bằng cách can thiệp hành chính vào thị trường và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần nhất là một hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch và công bằng, cần một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản và thuận tiện, cần một nền tư pháp bảo vệ cho họ được an toàn”, ông Lộc cho hay.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về kinh doanh còn khá nhiều bất cập, thủ tục hành chính vẫn còn nhiêu khê trong tương quan so sánh với các chuẩn mực tiên tiến của thế giới.
Trong thời gian qua, việc thực hiện chủ trương không hình sự hóa đã có nhiều tiến bộ, nhưng việc thực hiện chính sách thiếu nhất quán, sự thay đổi chính sách đột ngột, thiếu lộ trình chuyển đổi và hiện tượng hồi tố đối với các hoạt động kinh doanh, việc chậm trễ và thiếu công bằng trong việc giải quyết các tranh chấp của doanh nghiệp lại đang là điểm quan ngại hàng đầu.
Các cuộc khảo sát của VCCI cho thấy, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đã đề ra. Việc doanh nghiệp một năm phải tiếp 6-7 đoàn từ thanh tra, rồi tới kiểm toán, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức, trong đó có rất nhiều đoàn thanh tra liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm: thanh tra quản lý thị trường, y tế, đo lường là một thực tế phổ biến.
Cụ thể, có khoảng 14% doanh nghiệp bị kiểm tra từ 4 lần trở lên trong năm 2016. Trong những doanh nghiệp có từ 2 cuộc kiểm tra trở lên, trên 50% cho rằng các cuộc kiểm tra có những nội dung trùng lặp.
Việc môi trường kinh doanh chậm cải thiện nói trên một mặt là do sự chậm trễ trong cải cách thể chế, một số quy định bất hợp lý trong các văn bản pháp luật đã không được bổ sung, sửa đổi kịp thời. Trên quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp, theo rà xét bước đầu của VCCI, có tới ít nhất trên 20 quy định như vậy mà chúng tôi đã nêu ra trong báo cáo gửi Chính phủ.
Nhưng nguyên nhân chính, theo VCCI, là do các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng chính phủ chưa được thực hiện nghiêm túc. Với cơ chế phân định quyền hạn và trách nhiệm thiếu rõ ràng hiện nay, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên bảo, dưới không nghe” vẫn còn phổ biến ở nhiều lúc, nhiều nơi.
Bài học thực tế thời gian qua cho thấy, cải cách hành chính, cải cách thể chế sẽ không thể đạt được tiến bộ, nếu không cân đong đo đếm được và lượng hóa, có cơ chế quy trách nhiệm trong việc thực hiện tới từng cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chi phí không chính thức vẫn là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp
Tại báo cáo đầu Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được ban hành tháng 5/2016, đã khẳng định 10 nguyên tắc và 5 nhóm giải pháp cần thực hiện, nhằm mục tiêu nhà nước kiến tạo; lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp khởi nghiệp, tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Báo cáo sơ kết một năm tình hình thực hiện Nghị quyết, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí và khuyến khích khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh là những điểm đáng ghi nhận.
Chủ trương khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 35 đã lan tỏa rộng rãi. Hàng trăm sự kiện, cuộc thi khởi nghiệp, lập nghiệp được nhiều tổ chức, địa phương triển khai; gần 30 “không gian làm việc chung” và sáng tạo thuộc khu vực tư nhân được thiết lập; mạng lưới các nhà đầu tư cho khởi nghiệp dần hình thành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 3 sắp tới với nhiều chính sách đột phá cho doanh nghiệp; Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế; Bộ Công Thương đang xây dựng đề án phát triển thị trường trong nước…
Những nỗ lực trên đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Về một số hạn chế và nguyên nhân cũng được Bộ trưởng chỉ ra rằng, về cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, vẫn chưa giải quyết triệt để sự không thống nhất giữa các luật: Đầu tư, Bảo vệ môi trường, Đất đai, Xây dựng…dẫn đến vướng mắc trong thực thi.
Thực tế thực hiện liên thông trong giải quyết thủ tục đầu tư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp và các thủ tục khác chưa thông suốt, hiệu quả. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề, gây khó khăn và gia tăng gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp.
Quy định và hướng dẫn về thủ tục thuế và hải quan, phân loại mã số hàng hoá xuất nhập khẩu (mã HS) chưa đủ rõ ràng; thủ tục cấp chứng nhận trong phòng cháy chữa cháy, đo khí thải, chất thải, bảo vệ môi trường; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khoáng sản, tài nguyên… theo phản ánh còn gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp.
Về tiếp cận đất đai, thủ tục giải phóng mặt bằng, giá thuê đất cao cùng các thủ tục cấp phép nêu trên vẫn là vấn đề nan giải với doanh nghiệp.
Việc triển khai đấu thầu qua mạng nhằm công khai minh bạch các dự án mua sắm công, tạo cơ hội tham gia của doanh nghiệp chưa đảm bảo lộ trình theo yêu cầu của Chính phủ. Quản lý nhà nước đối với chất lượng hàng hóa còn lỏng lẻo; hàng giả, hàng kém chất lượng chưa được kiểm soát hiệu quả; hàng rào kỹ thuật chưa phát huy tác dụng… dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép sản xuất trong nước và ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Tiến độ cổ phần hoá các DNNN diễn ra chậm, làm thu hẹp thị trường và cơ hội tham gia cung cấp dịch vụ công của khu vực tư nhân.
Về tiếp cận tín dụng, mặc dù Ngân hàng nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại đã có nhiều nỗ lực cải thiện, nhưng phản ánh của doanh nghiệp cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn. Chỉ có 40% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có khả năng tiếp cận vốn vay từ ngân hàng...
Tốc độ tăng lương tối thiểu thời gian qua từ 8-12%, đem lại lợi ích cho người lao động, nhưng tốc độ tăng năng suất lao động lại chỉ đạt 4-5%; mức đóng bảo hiểm 22% lương tháng là cao, so với Malaysia chỉ là 13%, Philippines là 10%. Chi phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu tăng trung bình từ 1,5-2 lần so với trước đây; thời gian kéo dài từ 7-10 ngày.
Ngoài ra các chi phí không chính thức vẫn là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong các thủ tục tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện (66% doanh nghiệp trong Khảo sát PCI năm 2016 xác nhận trả loại phí này).
Vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản, thanh toán chậm và thủ tục phiền hà đối với các dự án và dịch vụ công do doanh nghiệp cung cấp chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng lớn đến chi phí và rủi ro tài chính của doanh nghiệp.
Việc thực hiện thanh tra, kiểm tra ở cấp địa phương còn tồn tại hiện tượng chồng chéo, trùng lắp. Đây là nguy cơ hiện hữu dẫn đến rủi ro lớn, thiệt hại về tài sản, gián tiếp tạo thêm gánh nặng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.
Năng lực nội tại và ý chí kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn thấp; thể hiện rõ ở quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu; năng lực quản trị hạn chế, dẫn đến năng suất và hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh kém; chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp.
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nhận thức của người đứng đầu một số Bộ ngành, địa phương về ý nghĩa và tầm quan trọng triển khai Nghị quyết 35 chưa đầy đủ, sâu sắc, dẫn đến việc triển khai Nghị quyết chưa quyết liệt, hiệu quả. Sự phối hợp giữa các Bộ ngành, giữa Trung ương và địa phương trong triển khai Nghị quyết còn chưa tốt; chậm giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong công tác đối thoại với chính quyền còn mờ nhạt...
"Ngoài ra có thể kể đến nguyên nhân nữa là văn hoá phương đông có thiên hướng ít thay đổi, ngại đổi mới, có tâm lý sợ rủi ro. Đây là rào cản rất lớn cản trở các doanh nghiệp Việt Nam chấp nhận thách thức để bứt phá vươn lên, bắt kịp với xu thế mới của hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4", ông nói thêm.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính còn nhiều
Báo cáo tại Hội nghị, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá, những cải cách về thể chế, xây dựng pháp luật và cơ chế chính sách về hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp là những điểm nhấn trong công tác điều hành năm vừa qua.
Trong 2016, tổng số thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 tại các Bộ, ngành là 112 và các địa phương là 8.215. Kể từ khi Hệ thống thông tin phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp đi vào hoạt động (1/10/2016) đến nay, Văn phòng Chính phủ đã tiếp nhận tổng cộng 586 phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, với tỷ lệ giải quyết đạt trên 76%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp còn những tồn tại, hạn chế. Những quy định pháp luật, cơ chế chính sách chưa thực sự tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, cũng như việc phát sinh những thủ tục hành chính mới không cần thiết, không hợp lý. Nhiều quy định còn can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, vi phạm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Điển hình như sự việc của doanh nghiệp tại Đồng Nai phản ánh một tháng bị thanh, kiểm tra đến 3 lần, có doanh nghiệp ở địa phương khác bị thanh tra tới 12 lần trong năm. Một số bộ, ngành trung ương không gửi kế hoạch thanh, kiểm tra cho địa phương gây khó khăn cho triển khai thực hiện. Trong khi đó, việc tiếp cận các nguồn lực của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế, từ các thủ tục vay vốn, thủ tục hành chính về đất đai còn rườm rà, kéo dài.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế, trong đó thủ tục vay còn phức tạp, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, thủ tục hành chính về đất đai còn rườm rà, kéo dài… Việc tiếp nhận, xử lý và trả lời kiến nghị của người dân, doanh nghiệp tại địa phương còn chậm, chưa cầu thị, chưa đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển.
Những tồn tại này, theo người đứng đầu Văn phòng Chính phủ đến từ việc chưa quán triệt đầy đủ, nhận thức đúng về chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động. Tư duy quản lý còn mang dấu ấn cơ chế xin-cho, bao cấp.
Việc cải cách, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của bộ phận cán bộ, công chức nên gặp cản trở ngay từ bên trong. Tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính còn nhiều. Chẳng hạn, trong phản ánh kiến nghị về hành vi chậm trễ, thực hiện không đúng quy định trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm khoảng 60% tổng số kiến nghị liên quan đến lĩnh vực đất đai…
Ngoài ra, kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm, tiêu cực. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức còn chưa thực sự đổi mới sáng tạo, dám làm, dám chịu.
Bích Diệp - Phương Dung