Một căn hộ bán cho nhiều người: Nguy cơ trắng tay vì ngân hàng phát mãi
(Dân trí) - Chung cư Gia Phú đang bị Ngân hàng BIDV đòi bán đấu giá để siết nợ số tiền hơn 232 tỷ đồng. Trong khi đó, người dân lại cho rằng, việc phát mãi này có thể khiến họ mất trắng căn nhà.
Nợ 232 tỷ đồng, đấu giá khởi điểm 112 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã có thông báo về việc chọn tổ chức đấu giá tài sản chung cư Gia Phú (phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM) với giá khởi điểm là 112,148 tỷ đồng, tức thấp hơn một nửa so với tổng dư nợ.
Theo BIDV, tổng dư nợ của Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú (chủ đầu tư dự án) tính đến thời điểm ngày 30/4/2018 là hơn 232,616 tỷ đồng. Trong đó, gần 89 tỷ đồng nợ gốc và hơn 143 tỷ đồng là lãi.
Trước khi bị đưa ra bán đấu giá tài sản, chung cư Gia Phú đã xảy ra hàng loạt lùm xùm, tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng.
Cụ thể, vào những năm 2010 - 2012, nhiều khách hàng đã ký kết hợp đồng mua bán căn hộ với chủ đầu tư.
Theo cam kết, thời hạn bàn giao nhà chậm nhất vào quý I/2013. Căn cứ theo hợp đồng mua bán giữa hai bên, một số người đã thanh toán gần 95% giá trị căn hộ, chỉ chờ ngày ký biên bản bàn giao. Thế nhưng, đến cuối năm 2012, sau khi hoàn thành phần thô và cất nóc, dự án bất ngờ bị chủ đầu tư ngưng thi công.
Đáng nói, sau một thời gian ngưng trệ, nhiều khách hàng bỗng phát hiện căn hộ mà mình mua đã bị chủ đầu tư mang đi bán lại cho nhiều người. Quá bức xúc, tập thể khách hàng đã làm đơn tố cáo gửi Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội (PC45) Công an TPHCM
Sau đó, PC45 đã ra quyết định khởi tố hình sự đối với 2 đại diện công ty là bà Đoàn Thị Hoàn My (Tổng giám đốc công ty) và ông Nguyễn Hùng Nghiêm (Phó Tổng giám đốc công ty) với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Tháng 12/2015, PC45 ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Hùng Nghiêm và chuyển hồ sơ sang VKSND TPHCM đề nghị phê chuẩn các quyết định này.
Thế nhưng, VKSND TPHCM lại ra quyết định hủy bỏ Quyết định khởi tố bị can và không phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Hùng Nghiêm.
Không đồng ý với quyết định của Viện kiểm sát, nhiều khách hàng tiếp tục yêu cầu xem xét lại quyết định của mình, đồng thời, gửi đơn cầu cứu lên nhiều cơ quan chức năng Trung ương và địa phương để nhờ trợ giúp.
Lo mất trắng tài sản
Sau khi nghe thông tin BIDV chọn tổ chức đấu giá dự án chung cư Gia Phú, hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại chung cư này tiếp tục gửi đơn cầu cứu đến khắp nơi. Người dân cũng căng băng rôn phản đối vì nguy cơ mất trắng tài sản dành dụm nhiều năm trời mới mua được.
Bà Phạm Thị Minh Toàn, người đại diện cho hơn 200 khách hàng mua căn hộ dự án chung cư Gia Phú cho biết, BIDV không có quyền mang dự án chung cư Gia Phú bán đấu giá vì dự án này đã được Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú bán cho khách hàng. Hiện nay, nhiều khách hàng đã đóng tiền từ 70% - 95% giá trị căn hộ. Vì vậy đây cũng là một phần tài sản của khách hàng.
“Chủ đầu tư dự án chung cư Gia Phú đang bị tố cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người mua căn hộ. Các cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ thì làm sao có thể đấu giá, phát mãi tài sản là chung cư Gia Phú được”, bà Toàn nói.
Nhiều khách hàng khác mua chung cư Gia Phú cũng chia sẻ rằng, họ đã đóng một số tiền lớn để mua căn hộ nên nếu ngân hàng bán dự án thì phải đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Cần có những điều khoản bắt buộc bên mua tiếp tục thay chủ đầu tư cũ hoàn thành hợp đồng, giao nhà cho người dân.
Theo ông Đoàn Minh Vỹ, Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng BIDV Trường Sơn thì BIDV là bên chủ nợ. Công ty Gia Phú không trả nợ được nên ngân hàng bán khoản nợ để xử lý chứ không phải bán tài sản của dân.
Cũng theo ông Vỹ, người dân đã ký hợp đồng mua bán với bên chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư không hoàn thành được dự án thì người dân phải tìm đến chủ đầu tư để giải quyết. Còn ngân hàng chỉ bán tài sản để thu hồi khoản nợ mà ngân hàng đã cho Công ty Gia Phú vay.
Luật sư Trần Đình Dũng, Đoàn Luật sư TPHCM nhận định, theo Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) của Quốc hội về thí điểm, giải quyết nợ xấu của các tổ chức tín dụng, khi khách hàng vay nợ không có khả năng thanh toán, ngân hàng được phép tổ chức đấu giá bán tài sản để thu hồi nợ.
Trong trường hợp này, BIDV đã cho Công ty Gia Phú vay tiền đầu tư xây dựng chung cư. Đã nhiều năm chủ đầu tư không thể trả nợ vay, cả tiền gốc cũng như lãi vay. Vì thế, việc BIDV thông báo tổ chức đấu giá bán chung cư để thu hồi nợ là đúng quy định.
Liên quan đến việc nhiều khách hàng mua căn hộ sợ không được trả lại tiền khi ngân hàng phát mãi bán chung cư thì luật sư Dũng nhận định sẽ xảy ra 2 tình huống, đó là số tiền sau đấu giá có giá trị lớn hơn và ít hơn hoặc bằng số tiền chủ đầu tư đã nợ.
Theo Nghị quyết 42, tổ chức tín dụng là đơn vị được ưu tiên trả nợ đầu tiên. Vì thế, trong trường hợp số tiền đấu giá ít hơn hoặc bằng số tiền nợ thì ngân hàng sẽ nhận hết. Nếu số tiền đấu giá nhiều hơn thì sẽ căn cứ theo các quy định pháp luật hiện hành để phân chia cho các khách hàng đã mua căn hộ.
“Việc phát mãi bán đấu giá chung cư để thu hồi nợ nhằm bảo vệ quyền lợi của ngân hàng, nhưng quyền lợi của hơn 200 khách hàng cũng cần phải xem xét thấu đáo, hợp tình, hợp lý”, luật sư Dũng nói.
Đại Việt