Một cách nhìn về thanh toán biên mậu tại khu vực biên giới Việt-Trung

Thông tư 19 tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của Luật các tổ chức tín dụng, Pháp lệnh Ngoại hối, và được thiết kế để các giao dịch thương mại biên giới Việt-Trung, dù được tạo thuận lợi bằng việc được sử dụng cả hai đồng tiền VND và CNY, cũng chỉ trong phạm vi rất hạn chế về đối tượng, về địa lý và phải thực hiện quy định thông qua hệ thống ngân hàng, kể cả đối với giao dịch tiền mặt (trong thời hạn 07 ngày).

Ngày 28/8/2018, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Thông tư 19/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc nhằm hướng dẫn Nghị định 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới và thay thế Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN ngày 07/06/2004 về việc ban hành quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế của khẩu Việt Nam-Trung Quốc.

Mục tiêu ban hành Thông tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân, cư dân trong hoạt động thương mại ở khu vực giáp biên giới của 7 tỉnh biên giới Việt Trung, đảm bảo nguyên tắc tính thống nhất của pháp luật, tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối, phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế. Sau khi Thông tư ban hành đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Để làm rõ một số vấn đề dư luận quan tâm, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế.

Một cách nhìn về thanh toán biên mậu tại khu vực biên giới Việt-Trung - 1

Bà đánh giá thế nào về việc ban hành Thông tư 19 vào thời điểm hiện nay?

- Những năm gần đây, các văn bản pháp quy về hoạt động kinh tế ở nước ta được ban hành rất nhiều, tôi không thể theo dõi xuể. Ngân hàng không phải là lĩnh vực chuyên môn của tôi, nên tôi ít quan tâm. Tuy nhiên, sau khi Thông tư 19 được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 28/8 vừa qua, có nhiều ý kiến thể hiện sự lo ngại của một số chuyên gia kinh tế và công chúng trong xã hội, nên từ đó tôi mới lo lắng và quan tâm tìm hiểu về Thông tư này.

Đọc kỹ Thông tư 19 và các văn bản pháp quy mà trên cơ sở đó Thông tư này ra đời, tôi hiểu ra và trút bỏ được những nỗi lo ban đầu.

Bà Phạm Chi Lan
Bà Phạm Chi Lan

Trước hết, Luật các tổ chức tín dụng, Pháp lệnh Ngoại hối hiện hành đều khẳng định rõ nguyên tắc bất di bất dịch là trên lãnh thổ Việt Nam, đồng tiền Việt Nam là đồng tiền duy nhất được lưu hành. Đó cũng là tinh thần của Hiến pháp nước ta, và là nguyên tắc chủ quyền của mọi quốc gia trên thế giới. Các ngoại tệ có thể được sử dụng làm phương tiện giao dịch, thanh toán trong các giao dịch dân sự, nhưng đều phải qua hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng được phép giao dịch ngoại hối, và chịu sự giám sát, kiểm soát của Nhà nước. Riêng với 3 nước có chung biên giới Cam-pu-chia, Lào, Trung Quốc, giữa nước ta với các nước này đã có những hiệp định thương mại quy định về thương mại biên giới cho phép sử dụng đồng tiền của cả hai bên trong những giao dịch tại biên giới theo các thiết chế chặt chẽ, và đã được thực thi từ năm 2004.

Thông tư 19 tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của Luật các tổ chức tín dụng, Pháp lệnh Ngoại hối, và được thiết kế để các giao dịch thương mại biên giới Việt-Trung, dù được tạo thuận lợi bằng việc được sử dụng cả hai đồng tiền VND và CNY, cũng chỉ trong phạm vi rất hạn chế về đối tượng, về địa lý và phải thực hiện quy định thông qua hệ thống ngân hàng, kể cả đối với giao dịch tiền mặt (trong thời hạn 07 ngày).

Về đối tượng của Thông tư, Luật Quản lý Ngoại thương ban hành năm 2017 có mục 7 (gồm 3 Điều 53, 54, 55) về hoạt động thương mại biên giới, cùng Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết hoạt động thương mại biên giới đã quy định rõ ràng, chặt chẽ thế nào là hoạt động thương mại biên giới; thế nào là thương nhân và cư dân tham gia hoạt động thương mại biên giới; những địa bàn như thế nào thì được coi là biên giới, chợ biên giới; danh mục hàng hóa, dịch vụ trao đổi ở đó được xác định như thế nào… Có nghĩa là đối tượng của Thông tư 19 đã được khoanh rõ qua Luật và Nghị định nói trên, cùng các văn bản pháp quy liên quan khác (như Luật Biên giới, Luật Hộ khẩu…), để giới hạn phạm vi áp dụng về con người, địa bàn, hàng hóa, phương thức kinh doanh, cách thức thanh toán…theo các quy định về thương mại biên giới, đi đôi với các công cụ giám sát của nhiều cơ quan nhà nước liên quan.

Và do vậy, Thông tư 19 theo đúng luật pháp hiện hành sẽ chỉ được áp dụng trong phạm vi những giới hạn này thôi. Quy mô giao dịch tiền tệ và phạm vi ảnh hưởng của nó sẽ không rộng lớn như nhiều người lo ngại. Ngay trong Thông tư 19, các quy định về thanh toán qua ngân hàng, giao dịch tiền mặt …cho thương nhân và cư dân cả hai bên biên giới cũng được đưa ra cụ thể, chi tiết, khá chặt về pháp lý để nhà nước có thể giám sát, kiểm soát được cả về giao dịch thương mại lẫn việc thanh toán và giao dịch tiền tệ giữa hai bên.

Thông tư quy định rõ đối tượng và phạm vi điều chỉnh là thương nhân và cư dân biên giới có hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua biên giới tại khu vực biên giới của 7 tỉnh giáp biên giới Trung Quốc,vậy vì sao lại có những ý kiến lo ngại đối tượng áp dụng Thông tư 19?

Lúc thoạt đọc câu “Đồng tiền thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc của thương nhân là ngoại tệ tự do chuyển đổi, VND hoặc CNY” trong Thông tư, tôi cũng giật mình như nhiều người khác. Khi đọc kỹ các quy định cụ thể trong những phần tiếp theo của Thông tư, và cả trong các văn bản pháp quy khác như đã kể trên, tôi mới hiểu rõ hơn về mục tiêu, nội hàm, phạm vi áp dụng của Thông tư, về các công cụ quản lý của nhà nước trong lĩnh vực này, và từ đó mới yên tâm hơn.

Sự giật mình lo ngại của tôi cũng như nhiều người khác xuất phát từ nhiều điều.

Thứ nhất, nhiều năm nay nước ta đã bị nhập siêu ngày càng nặng nề từ Trung Quốc, mà ngay quy mô nhập siêu chúng ta cũng chưa đánh giá được thật đầy đủ (thể hiện qua chênh lệch lớn giữa số liệu thống kê do VN và Trung Quốc công bố). Thứ hai, thương mại biên giới, hay biên mậu, giữa ta với Trung Quốc diễn ra nhiều năm nay, với quy mô ngày càng lớn, rất phức tạp, khó kiểm soát; hàng hóa Trung Quốc qua đường biên mậu đã len vào từng ngõ hẻm trên mọi miền đất nước, gây nhiều lo ngại cho cả các nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng nước ta, chưa kể thất thu thuế cho nhà nước do buôn lậu. Hay thông qua kênh du lịch, nhiều người Trung Quốc đã vào nước ta kinh doanh, làm lao động, tiêu tiền của họ trong các giao dịch với nhau…Thứ ba, gần đây công luận hết sức lo lắng về dự luật đặc khu kinh tế (mà Quốc hội đã sáng suốt hoãn việc thông qua để nghe thêm ý kiến nhân dân), về việc Trung Quốc thúc giục xây dựng các khu kinh tế-thương mại biên giới, về tác động tiêu cực nước ta có thể hứng chịu do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung…

Lo tình trạng nền kinh tế nước ta bị lệ thuộc khá nặng nề vào Trung Quốc, những mối lo về an ninh-quốc phòng, tình hình ở Biển Đông… khiến cho không một người Việt Nam yêu nước nào không cảnh giác, lo lắng trước bất cứ động thái nào mới trong quan hệ Việt-Trung có thể gây phương hại cho chúng ta.

Thông tư 19 ra đời trong bối cảnh đó, cùng với sự “bất đối xứng về thông tin” giữa nhà nước với dân, rồi việc những giải trình cần thiết về Thông tư đến với dân chậm hơn so với tốc độ lan truyền của văn bản khi chưa có sự giải thích và hiểu đầy đủ sẽ gây ra một số phản ứng. Sự “bất đối xứng về thông tin” thể hiện rõ nhất trong việc nước ta cùng với các nước láng giềng Căm-pu-chia, Lào, Trung Quốc đã cho phép thực hiện thanh toán các giao dịch thương mại biên giới bằng đồng tiền của hai bên từ năm 2004, nhưng đa số người dân đâu có biết! Thông tư 19 nói riêng và quy trình xây dựng các văn bản pháp quy liên quan đến lĩnh vực kinh tế nói chung nên có sự trao đổi trước với các chuyên gia kinh tế, pháp luật… để họ hiểu rõ cơ sở pháp lý và các quy định then chốt, đặc biệt là phạm vi áp dụng và các công cụ giám sát của Thông tư này, thì sẽ đỡ đi những lo lắng do cách hiểu và diễn giải khác về Thông tư này.

Bà có khuyến cáo gì về các cơ chế giám sát để thực thi tốt Thông tư này?

- Điều lo ngại vẫn còn trong tôi là liệu các cơ quan nhà nước có thực hiện được nghiêm túc, đồng bộ những quy định trong Luật, Nghị định và Thông tư nói trên không. Thật tình lâu nay quan sát các hoạt động kinh tế ở nước ta, tôi thấy nhiều khi có được văn bản pháp quy tốt đã khó, nhưng thực thi tốt các văn bản đó còn khó hơn nhiều. Không thể phủ nhận thực tế đang gây đau đầu cho chúng ta hiện nay, là không ít người trong bộ máy cán bộ nhà nước còn khá hạn chế về trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, cũng như về sự phối hợp công tác với nhau. Sự hiểu biết và tuân thủ pháp luật trong người dân của chúng ta cũng có những hạn chế, vì nhiều khi ngay cả tiếp cận thông tin pháp luật đối với họ cũng khó, như nhiều điều tra đã cho thấy. Chính thực tế này khiến cho tính khả thi và hiệu lực, hiệu quả của nhiều quy định pháp luật của nước ta kém “thiêng” đi, trong khi các rủi ro có thể tăng lên.

Tôi rất lo nếu những người có trách nhiệm thi hành không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nhiệm vụ, chức trách của họ, thì các quy định có thể sẽ bị những kẻ gian ở cả hai bên biên giới lợi dụng, gây phương hại cho nền kinh tế của ta. Trong Thông tư không đưa ra quy định chế tài vì đã có quy định ở các văn bản pháp luật khác. Nhưng tôi đề nghị vẫn nên làm rõ chế tài đối với cả người nhà nước và người dân trong việc thực hiện Thông tư này.

Tôi cũng mong nhà nước tạo thêm kênh giám sát của xã hội, của nhân dân ở các tỉnh biên giới cũng như ở các địa phương khác, để người dân có thể phản ảnh kịp thời và giúp nhà nước ngăn chặn những diễn biến bất lợi có thể xảy ra.

Điều quan trọng nhất là mọi việc phải được thực hiện và giám sát, kiểm soát nghiêm minh đúng như các quy định. Thực sự phải tăng cường sự hiểu biết, ý thức trách nhiệm, năng lực làm việc và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan và nhân sự có trách nhiệm quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan, đặc biệt là tại các địa phương. Và Thông tư cần được phổ biến, giải thích, hướng dẫn tường tận cho thương nhân và cư dân các vùng biên giới để họ hiểu rõ và tự giác thi hành tốt.

Theo Thúy Linh
Vietnamnet