Mồi nhử lãi suất cao, nguy cơ "vỡ bom" trái phiếu

Nguyễn Hiền

(Dân trí) - Không ít doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng mồi nhử lãi suất cao, trung bình ở mức gấp 1,5 lần, thậm chí gấp 2 lần lãi suất huy động của ngân hàng.

Thua lỗ, không có tài sản đảm bảo vẫn phát hành trái phiếu

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm, khối lượng trái phiếu phát hành ra công chúng đạt trên 15.000 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 8% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành, cao hơn mức 6,5% của năm 2020.

Điều này cho thấy bước đầu đã có sự dịch chuyển. Doanh nghiệp đã lựa chọn phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng để huy động vốn thay vì chỉ phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ như thời gian trước.

Đồng thời, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trên thị trường sơ cấp đã giảm một nửa so với cùng kỳ, chỉ đạt 5,7% tổng khối lượng đã phát hành (cùng kỳ 12,68%).

Mồi nhử lãi suất cao, nguy cơ vỡ bom trái phiếu - 1

Trái phiếu doanh nghiệp "hút" người dân do lãi suất cao (Ảnh minh họa).

Theo dữ liệu từ công bố thông tin khi phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính nhận thấy có một số có doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh lỗ, một số phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Cụ thể, trong 8 tháng qua, 5/177 doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh năm liền kề trước năm phát hành lỗ; tuy nhiên, trái phiếu của các doanh nghiệp này đều có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán.

Khối lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 51% tổng khối lượng phát hành. Trong đó, đến 90% trái phiếu không có tài sản bảo đảm là trái phiếu do tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán phát hành. Bộ Tài chính đã nhiều lần khuyến nghị đối với các doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, nếu huy động vốn trái phiếu bằng mọi giá, trường hợp gặp rủi ro nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn sẽ dẫn đến không trả được nợ cho nhà đầu tư.

"Nhà đầu tư cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành", ông Dương nhấn mạnh.

Lãi suất cao, rủi ro lớn

Thời gian qua, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu thông qua hình thức phát hành riêng lẻ. Tỷ lệ phát hành ra công chúng chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Đồng thời, để việc phát hành thuận lợi, nhiều doanh nghiệp sử dụng mồi nhử là lãi suất cao, trung bình ở mức gấp 1,5 lần, thậm chí gấp 2 lần lãi suất huy động của ngân hàng.

Năm 2020, nhà quản lý đã ban hành một loạt chính sách quy định rõ về việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Các quy định mới phần nào đã cảnh báo cho tổ chức tư vấn phải cung cấp thông tin đầy đủ cho nhà đầu tư để họ có căn cứ ra quyết định.

Mồi nhử lãi suất cao, nguy cơ vỡ bom trái phiếu - 2

Chia sẻ tại tọa đàm "Cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Nhận diện và ứng xử với rủi ro" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/Vneconomy tổ chức sáng nay (30/8), Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng mặc dù đã được bảo vệ tốt hơn quãng thời gian trước, nhà đầu tư cá nhân vẫn bị rủi ro bủa vây. 

Trái phiếu doanh nghiệp không phải lãi suất tiết kiệm. Người dân muốn an toàn thì gửi ngân hàng, muốn lãi cao thì mua trái phiếu doanh nghiệp. Và đương nhiên, lãi suất cao thì rủi ro cao.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng cơ hội và rủi ro là hai yếu tố luôn song hành. Theo đó, dù nhà điều hành có hạn chế đối tượng tham gia thị trường, tức hạn chế nhu cầu nhưng với bối cảnh rủi ro gia tăng vì dịch bệnh thì lãi suất trái phiếu cao vẫn được nhà đầu tư đón nhận.

"Trái phiếu vẫn phát hành đều nhờ lãi suất, trong khi hàng chục nghìn doanh nghiệp buộc lòng phải rời bỏ thị trường. Nếu từ giờ đến cuối năm, tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn, con số này có thể lên tới 100 nghìn doanh nghiệp. Và không ai dám chắc rằng, trong số đó không có những doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu. Nguy cơ vỡ bom nợ trái phiếu đã dần hiện rõ, đặc biệt ở nhóm bất động sản", ông Hiếu nhìn nhận.

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, hiện có rất nhiều cơ hội đầu tư như bỏ tiền ra mua trái phiếu, gửi tiền tiết kiệm, mua vàng, mua bất động sản, trái phiếu… Để đưa ra quyết định nhà đầu tư phải tự hiểu về bản thân, phải có bức tranh về tình hình tài chính cá nhân của mình để tránh trường hợp bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Bởi không một kênh đầu tư nào, sản phẩm đầu tư nào chỉ có lợi nhuận mà không có rủi ro.

Thường các công ty tư vấn sẽ giúp nhà đầu tư phân tán rủi ro vào nhiều kênh đầu tư khác nhau. Khi nhà đầu tư đã chấp nhận được rủi ro để đem một phần tài sản bỏ vào thị trường trái phiếu thì lúc đó mới tiếp tục bàn đến câu chuyện lựa chọn loại trái phiếu để phù hợp khẩu vị rủi ro.

"Những trái phiếu của doanh nghiệp chưa có tên tuổi, chưa có thương hiệu và chỉ được bảo lãnh phát hành thì các nhà tư vấn tài chính thường xếp vào loại có mức độ rủi ro tương đối cao, mức lãi suất mới đạt 12 - 13%/năm", vị Tổng thư ký nhấn mạnh.

Số liệu do FiinRatings thống kê dựa trên báo cáo tài chính của 17 doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản nhà ở có hoạt động phát hành trái phiếu trong năm 2020 cho thấy, hệ số chi trả lãi vay giảm mạnh về mức 0,7 lần, tức lợi nhuận tạo ra không đủ chi trả lãi vay. Hệ số nợ vay ròng/EBITDA năm 2020 tăng lên tới 17,3 lần.

Đây là mức rất cao nếu so với kỳ hạn bình quân 3,8 năm của các trái phiếu bất động sản. Do đó, khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ của nhóm doanh nghiệp này sẽ phụ thuộc lớn vào sự hồi phục của ngành bất động sản nhà ở.