Trái phiếu bất động sản "tăng nhiệt"

Trường Thịnh

(Dân trí) - Chênh lệch giữa lợi tức trái phiếu, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bất động sản và lãi suất tiền gửi giúp kênh đầu tư này trở thành tâm điểm chú ý trong nửa đầu năm nay.

Trái phiếu bất động sản tăng nhiệt - 1
Bên cạnh năng lực của doanh nghiệp bất động sản, đơn vị tư vấn phát hành và phân phối cũng được đánh giá là một yếu tố quan trọng để đánh giá cơ hội đầu tư.

Theo thống kê SSI Research, trong quý II, các doanh nghiệp phát hành 164.000 tỷ đồng trái phiếu, gấp 3,7 lần quý I và tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là phát hành riêng lẻ.

Tính chung nửa đầu năm, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 208.900 tỷ đồng, tăng 18,3%. Tuy nhiên, quán quân phát hành đã có sự "đổi ngôi", khi vị trí dẫn đầu thuộc về các doanh nghiệp bất động sản, với quy mô hơn 92.000 tỷ đồng (44,2%). Các ngân hàng phát hành hơn 68.000 tỷ đồng (32,7%), còn lại là các doanh nghiệp năng lượng và khoáng sản, định chế tài chính phi ngân hàng, phát triển hạ tầng.

Trái phiếu bất động sản tăng nhiệt - 2
Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021 (Ảnh: SSI Research).

Theo đánh giá của Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), mặc dù các điều kiện phát hành được siết chặt, khả năng tiếp cận của nhà đầu tư cá nhân giảm sau những quy định mới, nhưng nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất lớn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu và lãi suất huy động.

Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm liên tục giảm từ đầu năm, trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh đầu tư hấp dẫn khi xét về khả năng sinh lời. Lợi tức trái phiếu doanh nghiệp cao hơn từ 1-1,7%/năm so với kênh tiền gửi tiết kiệm. Thậm chí, một số doanh nghiệp bất động sản còn huy động vốn trái phiếu với lãi suất trên 10% mỗi năm. Nếu so với mặt bằng lãi suất huy động hiện nay, mức lợi suất này gần gấp đôi.

Ngoài ra, nhu cầu tìm kiếm kênh đầu tư lãi suất cố định để trú ẩn trong thời gian dịch bệnh phức tạp cũng tăng lên khi các kênh đầu tư khác như vàng, đôla Mỹ hay chứng khoán chững lại.

Tuy được dự báo sẽ còn "tăng nhiệt" nhờ lợi suất cao, nhưng kênh trái phiếu cũng tiềm ẩn rủi ro. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến Bộ Tài chính nhiều lần phải đưa ra cảnh báo cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường này, khi mà thống kê số lượng nhà đầu tư cá nhân tăng vọt trong nửa đầu năm, lên 27%.

Trong báo cáo cuối tháng 7, SSI Research đặt tựa đề "Lãi suất không phải là tất cả, nhà đầu tư cần cẩn trọng" khi phân tích về diễn biến của thị trường trái phiếu nửa đầu năm nay. Một trong những vấn đề cần lưu ý là đánh giá năng lực của đơn vị phát hành và tiềm năng, rủi ro của đợt chào bán.

Những rủi ro này khiến cơ quan quản lý phải có thêm những "bộ lọc" mới của thị trường, mà theo Nghị định 81 sửa đổi là đặt trách nhiệm cao hơn cho đơn vị tư vấn.

Trong quy định mới, doanh nghiệp cũng phải ký hợp đồng tư vấn phát hành với tổ chức tư vấn hồ sơ phát hành. Theo đó, đơn vị tư vấn phải có trách nhiệm rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện và hồ sơ phát hành trái phiếu.

Với điều kiện này, bên cạnh năng lực của doanh nghiệp bất động sản, đơn vị tư vấn phát hành và phân phối cũng được đánh giá là một yếu tố quan trọng để đánh giá cơ hội đầu tư. Những quy định mới cho thấy, nếu các đơn vị tư vấn không nghiêm túc, chuyên nghiệp và uy tín trên thị trường, khó có thể đảm bảo và góp sức cho các thương vụ phát hành.

Hiện nay, trên thị trường chứng khoán, nhiều công ty chứng khoán tham gia tư vấn, phân phối, bảo lãnh phát hành trái phiếu. Trong đó, nhiều công ty đã thiết kế riêng những sản phẩm trái phiếu như S-BOND của SSI, iBond của TCBS, D-bond và V-bond của VNĐ, với những quy chuẩn riêng tùy theo khẩu vị rủi ro.

Chương trình S-BOND của SSI là một ví dụ. Mới đây, SSI cho biết vừa phân phối thêm 300 tỷ đồng trái phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý Khách sạn TNH, với lãi suất danh nghĩa 10%/năm, nối tiếp đợt phát hành cuối tháng 3.

Một loạt các lô trái phiếu khác cũng được phân phối qua hệ thống S-BOND như trái phiếu GEX 2020 (Lãi suất danh nghĩa 10%/năm); trái phiếu TASECO 2020 (Lãi suất danh nghĩa: 10%/năm); trái phiếu EUROWINDOW (Lãi suất danh nghĩa: 11%/năm); trái phiếu Con Cưng 2021 (Lãi suất danh nghĩa 11%/năm).

Ông Phan Tùng Lâm, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và sản phẩm cấu trúc, CTCP Chứng khoán SSI cho biết, sản phẩm S-bond của SSI có sự khác biệt với các sản phẩm trên thị trường khi tập trung vào ba tiêu chí gồm thu nhập, quản trị rủi ro và thanh khoản.

Ở tiêu chí thu nhập, hiện các trái phiếu thuộc S-BOND đều có lợi suất rất hấp dẫn, khoảng 8-9% mỗi năm, chênh lệch hơn 2-3% so với gửi tiết kiệm.

Với quản trị rủi ro, công ty luôn đề cao tính an toàn của trái phiếu S-BOND. Các tiêu chí đánh giá, thẩm định trái phiếu, từ tổ chức phát hành đến tài sản đảm bảo... không thay đổi dù các cơ quan quản lý đã siết chặt hơn tiêu chuẩn phát hành. Theo đó, doanh nghiệp bất cứ ngành nào, miễn là có tình hình tài chính tốt, phù hợp với tiêu chí đầu tư của SSI, bản thân SSI có thể đầu tư trái phiếu của họ, thì SSI có thể xây dựng đưa vào S-BOND.

Riêng với yếu tố thanh khoản, SSI cho biết, nhà đầu tư khi có nhu cầu hoàn toàn có thể bán cho SSI với giá niêm yết minh bạch. SSI cũng là đơn vị quản lý tài sản đảm bảo cho nhà đầu tư và có thể xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi vốn và lãi suất cho nhà đầu tư khi cần thiết.

"Các trái phiếu thuộc S-BOND đều được SSI thẩm định kỹ lưỡng và công ty hàng ngày đứng ra tạo lập thị trường để tăng thanh khoản cho trái phiếu", ông Lâm nói và đánh giá, quản trị rủi ro và yếu tố thanh khoản chính là các điểm vượt trội của sản phẩm S-BOND so với các trái phiếu khác trên thị trường.

Chi tiết về Trái phiếu S-BOND xem tại đây.