Mời gọi đầu tư: Đừng để "trên rải thảm, dưới rải đinh”

(Dân trí) - Trước tình trạng có hiện tượng cắt nước, cắt điện, lấp đất chặn cửa…làm khó nhà đầu tư, đại biểu Lê Như Tiến đánh giá, trong khi chủ trương Nhà nước là mời gọi, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nhưng tại địa phương “trên rải thảm, dưới rải đinh”.


Đại biểu Lê Như Tiến cho rằng, cần phải có một môi trường sạch thì Việt Nam mới có thể cất cánh.

Đại biểu Lê Như Tiến cho rằng, cần phải có một môi trường sạch thì Việt Nam mới có thể cất cánh.

Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại hội trường sáng nay 1/4/2016, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng, mặc dù chủ trương của Nhà nước là tạo điều kiện để kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện tại nhiều địa phương vẫn còn khoảng cách xa so với thực tế.

Cụ thể, ông Tiến chỉ rõ, đến nay vẫn có tình trạng nhà đầu tư bị làm khó như như cắt nước, cắt điện, lấp đất chặn cửa; đòi tiền lót tay, bôi trơn… Những vấn nạn này, theo ông Tiến là đang “làm doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng”.

Vị đại biểu dẫn lại nhận xét của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nêu ra trước đó, rằng “đất lành chim đậu nhưng chim chưa đậu đã nhậu hết chim”, và đưa ra lời cảm thán: “tuy là mời gọi nhà đầu tư nhưng trên rải thảm, dưới rải đinh”.

Bên cạnh đó, theo ông Tiến, môi trường sống không “sạch” với việc tràn lan thực phẩm bẩn và cách hành xử thiếu văn minh cũng là những điểm trừ trong thu hút đầu tư của Việt Nam.

“Trong tiêu dùng thực phẩm, thay vì bổ sung dinh dưỡng thì nay người dân phải thêm độc tố vào chính cơ thể mình. Tình hình cướp giật với du khách nước ngoài khiến mỗi khi ra đường ai cũng đều nơm nớp lo sợ. Khách du lịch một đi không trở lại vì cách hành xử chụp giật, thiếu văn hóa của một bộ phận người kinh doanh” – vị đại biểu đánh giá.

Do vậy, theo đại biểu, Việt Nam cần cải thiện những vấn đề nhức nhối nêu trên, tạo dựng một môi trường "sạch" thì khi hội nhập mới không bị "chìm giữa biển cả mênh mông".

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lại cho rằng, công tác ưu đãi đầu tư với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn còn bất cập.

Theo ông Vinh, trong khi có sự ưu ái với các doanh nghiệp FDI thì chính sách hỗ trợ với doanh nghiệp trong nước cả về lãi suất, vốn, tiếp cận thị trường…đều chỉ có tác dụng với những doanh nghiệp có lãi chứ không có tác dụng với những doanh nghiệp đang bị lỗ.

Điều này khiến nhiều doanh nghiệp trong nước bị chèn ép nhất là trong lĩnh vực dịch vụ và xuất khẩu. Do vậy, ông Vinh đề nghị, Chính phủ cần chú trọng chất lượng trong thu hút FDI thay vì thu hút đầu tư một cách tràn lan. Đồng thời, tăng cường các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước một cách thiết thực và sát sườn hơn.

Bích Diệp

Mời gọi đầu tư: Đừng để "trên rải thảm, dưới rải đinh” - 2