MobiFone chính thức về Bộ Thông tin & Truyền thông từ 1/7

Ba đơn vị điều chuyển nguyên trạng từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) về Bộ TT&TT theo Quyết định 888/TTg của Thủ tướng Chính phủ, gồm mạng MobiFone, Bưu điện Trung Ương và Học viện Bưu chính - Viễn thông sẽ được chính thức bàn giao từ ngày 1/7/2014.

MobiFone chính thức về Bộ TT&TT từ 1/7

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu tại Hội nghị phổ biến Quyết định 888 của Thủ tướng về tái cơ cấu VNPT. Ảnh: T.C

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 
*
“Lật mặt” doanh nghiệp Việt kinh doanh phần mềm gián điệp trên di động

* Nhật nới lỏng quy định thị thực cho du khách Việt Nam

* MobiFone chính thức về Bộ Thông tin và Truyền thông từ 1/7

* Thủ tướng Trung Quốc thăm Anh, ký kết hàng loạt thỏa thuận

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, mốc thời gian này sẽ giúp phân tách dứt điểm hoạt động 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm của các đơn vị, thuận tiện cho việc sắp xếp, tổ chức lại cũng như hạch toán kết quả kinh doanh, kiểm toán sau này.

Phải cổ phần hóa bằng được!

Chia sẻ tại Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2014-2015 diễn ra chiều nay (17/6) tại Hà Nội, Bộ trưởng Son cho biết dự kiến trong quý III, Bộ sẽ trình Dự thảo nghị định về điều lệ hoạt động, cơ chế tài chính, mô hình tổ chức của VNPT lên Chính phủ. Một điểm thuận lợi là hiện VNPT đã có trong tay điều lệ mẫu, do đó, việc mà Tập đoàn này cần sớm thực hiện là hoàn thiện dự thảo và trình lên Bộ để thẩm định, chỉnh sửa và trình Chính phủ.

Bên cạnh đó, VNPT và Bộ TT&TT cũng phải trình vốn điều lệ, kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong năm 2014 - 2015, giai đoạn đến 2020 - tầm nhìn đến 2030. Bộ có trách nhiệm thẩm định, trình Chính phủ phương án thành lập Công ty TNHH một thành viên VNPT - VinaPhone, VNPT - Media để tổ chức thực hiện. Hiện đang có hai hướng ý kiến về mô hình hoạt động của các đơn vị này, hoặc là theo mô hình Tổng công ty hoặc Công ty, Bộ trưởng cho biết. Tuy nhiên phương án của Bộ đang nghiêng theo hướng xây dựng VNPT - VinaPhone và VNPT - Media thành các Tổng công ty để có thể tương ứng với các Tập đoàn khác cùng ngành nghề kinh doanh, đảm bảo khả năng cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel hiện đang hoạt động theo cơ chế Tập đoàn, với bên dưới là 5 Tổng công ty.

Cũng theo quan điểm đó, Bộ TT&TT cho rằng Công ty Viễn thông di động VMS (MobiFone) cũng đang đề xuất thành lập Tổng công ty để có thể cạnh tranh "ngang sức" với các nhà mạng còn lại trên thị trường. "Nếu để một công ty cạnh tranh với một Tập đoàn thì e là không hợp lý", Bộ trưởng thẳng thắn. Nếu không có gì thay đổi, trong quý III tới đây, VMS sẽ tiến hành tổ chức lại thành một Tổng công ty hoàn chỉnh, hoàn thiện về bộ máy và đủ năng lực cạnh tranh với VinaPhone, Viettel. Đây là cơ sở để Bộ TT&TT có thể trình Chính phủ phương án cổ phần hóa nhà mạng này trong quý IV, đúng theo tinh thần của Quyết định 888.

"8 năm qua, chúng ta vẫn chưa cổ phần hóa được VMS nhưng năm nay, Bộ sẽ phải cố gắng thực hiện được nhiệm vụ này", Bộ trưởng cam kết.

Tinh gọn, giảm đầu mối

Liên quan đến nội dung tái cơ cấu phần còn lại của VNPT, Bộ trưởng khẳng định việc cơ cấu lại Tập đoàn sẽ phải được thực hiện trên tinh thần tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, hạn chế ban bệ ở cả Công ty mẹ lẫn các công ty con bên dưới. Chức năng chính của Tập đoàn sau cơ cấu sẽ là tập trung nghiên cứu xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển thị trường và mạng lưới; tổ chức thực hiện công tác cán bộ, đào tạo nhân lực; đầu tư tài chính để các công ty con đảm trách nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; hợp tác quốc tế, thanh tra, kiểm tra....

Muốn vậy, VNPT cần tích cực phân cấp, tạo quyền chủ động cho các đơn vị thành viên. Nói cách khác, các công ty con sẽ không làm việc theo cơ chế xin - cho như trước đây mà sẽ thông qua cơ chế hợp tác, hợp đồng kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động, kinh doanh. Sự thay đổi này xuất phát từ chính thực tế hạn chế của VNPT trong suốt thời gian qua, khi nhiều công ty con cùng tham gia sản xuất, kinh doanh một lĩnh vực, dẫn tới cạnh tranh nội bộ, triệt tiêu - phân tán nguồn lực. Sự đầu tư vì thế mà manh mún, dàn trải, chồng lấn, kém hơn các đối thủ, dẫn tới hiệu quả cạnh tranh hạn chế.

"Tỷ suất lợi nhuận của Tập đoàn giảm là một thực tế. Từ năm 2006 - 2011, VNPT đầu tư hơn 40.000 dự án, với tổng số vốn tới trên 128.000 tỷ đồng nhưng 40% trong đó chậm tiến độ", Bộ trưởng chỉ ra. "Nếu không có quyết định 929 của Chính phủ về tái cơ cấu các Tập đoàn nhà nước thì bản thân VNPT cũng cần phải xem lại mình và tái cơ cấu lại".

Bên cạnh việc tăng cường phân cấp và giảm đầu mối, VNPT cũng cần phải có kế hoạch xử lý những nhân sự dôi dư sau tái cơ cấu. Quan trọng nhất, Tập đoàn phải minh bạch hóa mọi hoạt động, khi các số liệu đầu tư tài chính, kết quả kinh doanh đều phải công khai, minh bạch.

"Quyết định 888 hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của VNPT cũng như với sự phát triển lành mạnh của thị trường viễn thông VN. Về phần VMS, nếu được phát triển hoàn chỉnh thì cũng sẽ xứng tầm với kỳ vọng của Chính phủ, tạo thế chân vạc cho thị trường phát triển bền vững, ổn định", Bộ trưởng kết luận.

Theo Trọng Cầm
VietNamNet

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”