"Mỏ vàng" tỷ đô xuất khẩu linh kiện ô tô, doanh nghiệp Việt được gì?
(Dân trí) - Thống kê năm 2019, giá trị xuất khẩu mặt hàng linh kiện, phụ tùng ô tô đạt 5,6 tỷ USD, song phần lớn doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam được hưởng, doanh nghiệp nội chỉ được vài %.
Tổng cục Hải quan cho biết, hết năm 2019, Việt nam đã xuất trung bình hơn 15 triệu USD/ngày hàng hóa là linh kiện, thiết bị ô tô sang các nước. Trong khi lượng nhập về đạt trung bình 11 triệu USD/ngày.
Về xuất xứ, Việt Nam xuất linh kiện, phụ tùng ô tô sang 14 quốc gia, vùng, lãnh thổ, trong đó lớn nhất là kim ngạch mặt hàng linh kiện xuất sang Nhật với 2,6 tỷ USD, Mỹ 1,68 tỷ USD, tiếp đến là Thái Lan 396 triệu USD, Hàn Quốc 384 triệu USD, Singapore 342 triệu USD, Trung Quốc hơn 288 triệu USD, Canada hơn 268 triệu USD...
Các mặt hàng xuất đi của Việt Nam chủ yếu là thiết bị đơn giản, có giá trị gia tăng chưa cao như: Máy quạt nước, đầu cản ô tô, ống pô, bố thắng, dây điện, ắc quy, săm lốp, gương kính, lót sàn, gần đây có cả khung, sườn xe tải, xe bus...
Trong khi đó, nhập về chủ yếu là các thiết bị nguồn như máy, khung thân xe, sơn, vật liệu mạ tĩnh điện, dây thiết bị.
Đáng chú ý, hiện kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng linh kiện phụ tùng ô tô vẫn phần lớn là của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, chỉ tỷ lệ rất nhỏ là giá trị của doanh nghiệp Việt.
Nếu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu linh kiện của Việt Nam đạt 5,6 tỷ USD, riêng các doanh nghiệp FDI chiếm 5,1 tỷ USD (chiếm 91% kim ngạch); chỉ còn 500 triệu USD là kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Việt.
Năm 2018, giá trị mặt hàng này xuất được 4,9 tỷ USD, doanh nghiệp ngoại cũng chiếm 4,6 tỷ USD, chiếm trên 93%; năm 2017, kim ngạch mặt hàng này là 4,4 tỷ USD thì doanh nghiệp ngoại đóng góp 4,2 tỷ USD, chiếm trên 95%; năm 2016 giá trị xuất đi là 3,7 tỷ USD, thì doanh nghiệp ngoại chiếm 3,6 tỷ USD, tỷ lệ chiếm 97%...
Sự tăng trưởng của giá trị xuất khẩu hàng linh kiện trên 10%/năm, mức đóng góp của doanh nghiệp nội địa Việt Nam đang tăng dần từ 3% năm 2016, lên 5% năm 2017, 7% năm 2018 và 9% năm 2019... Tuy nhiên, điều này vẫn cho thấy khả năng tận dụng các cơ hội xuất khẩu của doanh nghiệp Việt vẫn rất nhỏ bé, khó khai thác được lợi thế của hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Hơn nữa, các doanh nghiệp FDI xuất khẩu linh kiện ô tô từ Việt Nam chủ yếu sang các công ty mẹ, liên kết ở nước ngoài để giảm chi phí, tận dụng thuế thấp nhờ các hiệp định FTAs và nhân công rẻ để giảm giá thành xe chứ không xác định xây dựng ở Việt Nam là cơ sở để sản xuất, cung ứng linh phụ kiện cho các hãng, đối tác lớn trên thế giới.
Theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), các quốc gia EU sẽ xóa bỏ ngay thuế quan xuất khẩu hàng linh phụ kiện ô tô từ Việt Nam vào các nước EU khi doanh nghiệp tại Việt Nam tự chủ 55% nguồn gốc xuất xứ từ trong nước hoặc nước thứ 3 là đối tác của EU (đã từng ký kết với EU một FTAs).
Nếu trường hợp tháng 7/2020, Việt Nam và EU chính thức phê chuẩn EVFTA, về lý thuyết cơ hội cho xuất khẩu linh phụ kiện xe hơi Việt sang EU là có, song trên thực tế, Việt Nam khó có hội gia tăng lượng và giá trị mặt hàng này.
Nguyễn Tuyền