1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Mở tờ khai xuất gạo lúc 0 giờ: Tổng cục Hải quan giải thích thế nào?

(Dân trí) - Tổng cục Hải quan vừa có báo cáo lý giải việc mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc 0 giờ ngày 12/4, trong đó có nhắc đến chi tiết Bộ Công Thương chậm gửi văn bản chính thức cho cơ quan này.

Cụ thể, báo cáo của Tổng cục Hải quan nêu rõ, tại Quyết định số 1106/QĐ-BCT có hiệu lực kể từ 0 giờ ngày 11/4/2020. Nhưng đến 9g30 sáng ngày 11/4/2020 mới nhận được bản chụp do Bộ Công Thương gửi qua thư điện tử.

Mở tờ khai xuất gạo lúc 0 giờ: Tổng cục Hải quan giải thích thế nào? - 1

Tổng cục Hải quan cho biết lý do mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc 0 giờ ngày 12/4

Đến ngày 13/4/2020, Tổng cục Hải quan mới nhận được bản chính thức về Quyết định số 1106 nói trên.

Theo Tổng cục Hải quan, căn cứ nguyên tắc quản lý hạn ngạch, hải quan cho tiến hành thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS) để tự động theo dõi trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu và áp dụng từ 0g ngày 12/4/2020.

Việc trừ lùi sẽ được hệ thống tự động thực hiện ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan theo nguyên tắc tờ khai hải quan đăng ký trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước.

Hệ thống sẽ tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng ký tờ khai hải quan nếu số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu (là 400.000 tấn), không có sự can thiệp của công chức hải quan.

Về một số doanh nghiệp nêu lý do không mở được tờ khai, Tổng cục Hải quan cho rằng, trong thời gian từ 0 giờ đến 6 giờ 15 phút ngày 12/4/2020 đã có 38 doanh nghiệp đăng ký 519 tờ khai xuất khẩu, với số lượng gạo đã đăng ký 399.989,43 tấn.

Hạn ngạch lúc này chỉ còn 10,57 tấn, nên các doanh nghiệp đăng ký với số lượng lớn hơn 10,57 tấn không được hệ thống tiếp nhận. Sau thời điểm 6 giờ 15 phút ngày 12/4/2020 đã có 02 doanh nghiệp đăng ký 02 tờ khai với số lượng ít hơn 10,57 tấn được tiếp nhận.

Tổng cục Hải quan khẳng định, qua rà soát, trong số 39 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu có 04 doanh nghiệp đã trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng hoặc không đến ký hợp đồng bán gạo với Cục Dữ trữ nhà nước khu vực. Các doanh nghiệp này có tên trong danh sách mở tờ khai xuất khẩu. Cụ thể là Tổng Công ty lương thực Miền Bắc, Công ty CP XNK Thuận Minh, Công ty CP Mỹ Tường, Công ty TNHH Phát Tài.

Tổng cục Hải quan khẳng định, các doanh nghiệp không chủ động được với phương án xuất khẩu gạo mà Bộ Công Thương đưa ra.

"Qua theo dõi, thống kê năm 2019 đã có 257 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo đi các nước, với tổng lượng xuất khẩu là 6,3 triệu tấn, đạt kim ngạch 2, 8 tỷ USD. Cơ quan Hải quan khẳng định, nhu cầu xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp Việt Nam rất lớn, với 257 doanh nghiệp, trong khi tổng lượng được xuất khẩu trong tháng 4 theo Quyết định của Bộ Công Thương chỉ là 400.000 tấn, dẫn đến nhiều doanh nghiệp không thể đăng ký tờ khai xuất khẩu được", đại diện Tổng cục Hải quan cho biết.

Chính vì vậy, theo Tổng cục Hải quan, nếu quy định hạn ngạch, doanh nghiệp sẽ bị động trong phương án kinh doanh, gặp rủi ro do không dám ký trước hợp đồng. Trường hợp ký hợp đồng mà không giao hàng kịp có thể phải bị phạt vì không giao hàng đúng hạn và hoặc chịu các chi phí khác liên quan đến lưu tàu, lưu container...

"Doanh nghiệp chịu các thiệt hại do không tận dụng được cơ hội kinh doanh, trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu trên thế giới đang tăng cao. Những rủi ro trên đây cùng với việc không đăng ký được tờ khai xuất khẩu cũng gây ra bức xúc cho doanh nghiệp", Tổng cục Hải quan thông tin.

Về kiến nghị xuất khẩu gạo, Tổng cục Hải quan đề nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương tổ chức bán đấu giá hạn ngạch xuất khẩu gạo và công bố công khai hạn ngạch gạo được xuất khẩu và chia thành các gói đấu giá.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.

Ngoài ra, cơ quan này cũng đề nghị Bộ Công Thương cần thống nhất về thời điểm bắt đầu áp dụng để mở tờ khai để thông báo công khai cho các doanh nghiệp biết, thực hiện. Cần công khai, minh bạch để Tổng cục Hải quan mở lại hệ thống.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm