1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Mô hình canh tác thủy canh mở ra hướng đi mới cho người trồng rau sạch

(Dân trí) - Trước cơn bão thực phẩm bẩn đang bủa vây bữa ăn của từng gia đình, việc các vườn rau thủy canh cung cấp rau sạch, đảm bảo về chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều và có hiệu quả kinh tế cao đã mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho người nông dân ở TP Pleiku (Gia Lai).

Mô hình canh tác thủy canh mở ra hướng đi mới cho người trồng rau sạch

Trồng rau thủy canh được chị Nguyễn Thị Kim Anh (đường Tô Vĩnh Diện, phường Hoa Lư, TP Pleiku) áp dụng từ tháng 7/2016 và là nhà vườn đầu tiên ở TP Pleiku áp dụng mô hình này. Đến nay đã có thêm 3 nhà vườn khác ở Gia Lai được chị Kim Anh chuyển giao công nghệ và làm thành công vườn rau thủy canh.

“Trong lúc tìm hiểu các mô hình canh tác tại nhà để vừa có rau sạch cho gia đình dùng vừa có thêm nông sản để tăng nguồn thu nhập thì tôi đã biết đến mô hình canh tác thủy canh. Sau khi xuống TP Hồ Chí Minh học hỏi kinh nghiệm, tháng 7/2016, tôi bắt tay vào thực hiện. Vốn đầu tư ban đầu khá lớn nhưng cũng không lo chuyện tiêu thụ vì tin tưởng rau sạch sẽ có đầu ra tốt. Khó nhất chính là xây dựng hệ thống dàn trồng thủy canh hoàn toàn mới mẻ ở Gia Lai, vì thế tôi phải thuê một công ty ở TP. Hồ Chí Minh về lắp đặt.” – Chị Kim Anh cho biết.

Chị Kim Anh bên vườn rau thủy canh của mình
Chị Kim Anh bên vườn rau thủy canh của mình

Chị Kim Anh cho rằng cần tìm đến vùng có điều kiện không phù hợp nhưng vẫn áp dụng được thủy canh thì mới biết cách nông dân ở đó giải quyết những khó khăn ra sao. Thủy canh phù hợp với khí hậu mát mẻ nhưng khí hậu TP Hồ Chí Minh nóng quanh năm vẫn làm thành công nên chị nghĩ khí hậu ở Gia Lai cũng có thể đáp ứng được.

Từ 24m2 thử nghiệm ban đầu, đến nay chị Kinh Anh đã có gần 500m2 vườn trồng rau theo phương pháp thủy canh. Vườn của chị chủ yếu trồng các loại rau như: cải thìa, xà lách, rau muống, rau cần, cà chua, súp lơ,…

Bằng cách xuống giống xen kẽ, ngày nào vườn rau thủy canh của chị Kim Anh cũng có rau sạch xuất đi tiêu thụ, mỗi ngày cung ứng ra thị trường khoảng 50 kg rau với giá bán dao động từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/kg. Giá rau tuy cao hơn so với giá bán các loại rau khác nhưng là rau sạch, đảm bảo chất lượng nên sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm lựa chọn.

 Vườn rau thủy canh sạch, cho năng suất cao
Vườn rau thủy canh sạch, cho năng suất cao

Là 1 trong 3 nhà vườn được chị Kim Anh chuyển giao công nghệ, chị Hồ Anh Đức (đường Ama Quang, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đã bước đầu áp dụng mô hình thủy canh và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Chị Đức chia sẻ: “Ưu điểm của phương pháp này là chủ động được mùa vụ, đặc biệt là cách ly hoàn toàn với các mầm bệnh tiềm ẩn trong đất. Phương pháp thủy canh giúp cây phát triển tương đối tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%. Sau 6-7 tuần là rau đã cho thu hoạch. Những ai đi làm Nhà nước như tôi, eo hẹp về thời gian vẫn có thể làm mô hình này vì không tốn thời gian chăm sóc đất hay tưới rau".

Rau thủy canh không trồng trên đất nên tiết kiệm tối đa chi phí nhân công vì không phải làm cỏ, xới đất như thổ canh thông thường. Hạt giống sẽ được ươm trong các giá thể có chứa chất hữu cơ là các xơ dừa đã được xử lý nấm bệnh.

Thủy canh hồi lưu là phương pháp đem lại hiệu quả cao nhất khi trồng rau trong các ống nhựa (có đục lỗ) được nối thành một hệ thống giàn, chia thành nhiều tầng, bên trong các ống nhựa có chứa dịch thủy canh. Trên cùng một diện tích nhưng do trồng theo tầng nên thủy canh trồng được nhiều rau hơn so với thổ canh, từ đó cho năng suất cao hơn.

 Mô hình thủy canh tiết kiệm diện tích trồng rau một cách hiệu quả
Mô hình thủy canh tiết kiệm diện tích trồng rau một cách hiệu quả

Dung dịch thủy canh với thành phần phù hợp được pha với nước, trong đó hoàn toàn không có chất kích thích sinh trưởng hay thuốc trừ sâu bệnh. Hệ thống này được thiết kế bơm tưới tự động, nên từ khi trồng rau cho đến khi thu hoạch sẽ không phải tưới nước. Đặc biệt, do rau trồng trong nhà kính nên không bị các loại côn trùng gây hại. Một ưu điểm nữa là do không trồng trên đất nên thu hoạch rất dễ, cây có rễ sạch và không dính chất bẩn.

“Vì không dùng thuốc trừ sâu nên khi làm nhà kính, phông bạt để trồng rau thủy canh thì cần cực kỳ chắc chắn và cẩn thận. Nếu lỡ có lỗ hở để sâu vào và nhân rộng thì sẽ khó xử lý”, chị Kim Anh lưu ý thêm về sự quan trọng của yếu tố nhà kính.

Là khách hàng thường xuyên của các vườn rau thủy canh, chị Lê Thị Thu Hà (đường Tô Vĩnh Diện, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chia sẻ: “Mỗi lần đi chợ, mua rau là tôi luôn lo lắng rau còn chất kích thích; khi mua về chưa kịp dùng, để khoảng 1-2 ngày đã bị thối rữa. Nhưng rau thủy canh thì khác, vừa sạch sẽ lại để được lâu do không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên tôi rất yên tâm.”

Với nhiều ưu điểm kể trên, rau thủy canh đang được các chủ vườn ở TP Pleiku áp dụng và thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một hướng đi mới cho việc phát triển nền nông nghiệp sạch và bền vững trên mảnh đất Phố núi.

Quốc Huy