Microsoft "mời" nhân viên nghỉ việc với 4 tháng lương

Cẩm Hà

(Dân trí) - Thay vì sa thải công khai, Microsoft chọn cách trả lương hậu hĩnh cho những nhân viên bị đánh giá yếu kém để họ tự nguyện rời đi. Nhưng đằng sau làn sóng "làm đẹp hồ sơ" này là gì?

Microsoft trả tiền để nhân viên hiệu suất thấp tự nguyện nghỉ việc

Ngành công nghệ từ lâu vẫn thận trọng khi liên kết trực tiếp việc sa thải với hiệu suất làm việc của nhân viên. Dù vậy, năm 2025 đang chứng kiến sự thay đổi rõ rệt trong cách các "ông lớn" công nghệ xử lý vấn đề nhân sự.

Đầu năm nay, Meta đã sa thải hơn 3.000 nhân viên và gọi đây là động thái "tự nguyện nghỉ việc không đáng tiếc" (non-regrettable attrition). Amazon cũng ghi nhận số lượng nhân viên bị đưa vào kế hoạch cải thiện hiệu suất (PIP) tăng vọt trước các đợt cắt giảm quy mô lớn. Trong khi đó, Microsoft được cho là đã âm thầm cắt giảm hàng nghìn nhân viên bị xếp loại "hiệu suất thấp".

Giờ đây, theo một báo cáo mới của Business Insider, Microsoft đang áp dụng một chính sách nhân sự mới, đó là thay vì đưa nhân viên yếu kém vào PIP, hãng đề nghị họ chấp nhận một khoản bồi thường tương đương 16 tuần lương để tự nguyện rời công ty.

Microsoft mời nhân viên nghỉ việc với 4 tháng lương - 1

Microsoft chi một khoản bồi thường tương đương 16 tuần lương để nhân viên tự nguyện rời công ty (Minh họa: Windows Central).

Theo một email nội bộ, Microsoft đã triển khai hệ thống đánh giá hiệu suất mới, với "kỳ vọng rõ ràng và thời hạn cải thiện cụ thể". Tuy nhiên, những nhân viên không muốn tham gia quá trình cải thiện này có thể lựa chọn ký thỏa thuận nghỉ việc, nhận khoản bồi thường hào phóng kể trên. 

Theo nguồn tin, nhân viên đủ điều kiện chỉ có 5 ngày để đưa ra quyết định. Nếu từ chối và tham gia chương trình cải thiện hiệu suất, họ sẽ mất quyền được nhận khoản bồi thường sau đó. Ngoài ra, Business Insider cũng tiết lộ Microsoft đang áp dụng quy định cấm tuyển lại những nhân viên rời công ty hoặc bị sa thải vì lý do hiệu suất kém trong vòng ít nhất 2 năm.

Chiến lược "xử lý êm thấm" - xu hướng mới?

Thực tế, Microsoft không phải công ty đầu tiên sử dụng chiến lược này. Amazon từng triển khai chương trình Pivot, trao cho nhân viên hiệu suất thấp cơ hội lựa chọn giữa cải thiện hoặc ra đi. Meta cũng được cho là vận hành một "danh sách đen", ngăn cản việc tuyển dụng lại những cựu nhân viên bị đánh giá thấp.

Tuy nhiên, xử lý nhân sự dựa trên hiệu suất vẫn luôn là bài toán nhạy cảm. Tại Meta, nhiều nhân viên bị cắt giảm đã lên tiếng phản đối. Những người này cho rằng họ từng nhận được đánh giá hiệu suất cao nhưng vẫn bị sa thải vì công ty cần đạt chỉ tiêu 5% cắt giảm mỗi bộ phận.

Các chuyên gia nhân sự cũng cảnh báo rằng hệ thống đánh giá hiệu suất tiềm ẩn nhiều rủi ro thiên vị. Đánh giá có thể khác biệt lớn giữa các quản lý, các bộ phận và đôi khi nhân viên không được hỗ trợ đúng cách trước khi bị "gắn mác" yếu kém.

Trong bối cảnh lòng tin giữa nhân viên và ban lãnh đạo Big Tech đang suy giảm vì những chính sách như ép buộc trở lại văn phòng, chiến lược sa thải dựa trên hiệu suất càng dễ gây thêm sóng gió nội bộ.