Khánh Hòa:
Mía "đắng" vì mất mùa lại mất cả giá!
(Dân trí) - Dù đang bước vào cao điểm thu hoạch mía nhưng người trồng mía ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) không muốn thu hoạch vì mía mất mùa trên diện rộng, giá cả lại sụt giảm.
“Khóc”… trên cánh đồng mía
Chúng tôi đến cánh đồng mía ở xã Ninh Xuân vào lúc cao điểm vụ mía, nhưng bà con ở đây thu hoạch rất lẻ tẻ. Gặp chúng tôi khi đang nghỉ trưa bên cánh đồng mía, ông Nguyễn Văn Tý (thôn Tân Sơn, xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa), than thở: “Năng suất mía năm nay thấp lắm! Bình quân 1 ha thì chỉ đạt từ 40-50 tấn/ha, thấp hơn 20-30 tấn so với mọi năm. Năng suất của mình như thế đã thấp rồi, vậy mà ở đây có nhà 1 ha chỉ thu được 20 tấn mía”.
Ông Tý cho biết, do năng suất giảm, nhiều hộ dân trên địa bàn thua lỗ nặng, sau một năm dày công chăm bón, chăm ngày chăm đêm, nay công sức gần như “đổ xuống sông xuống biển”. “Gia đình tôi chỉ trồng 3 ha mía, nhưng do năng suất giảm, mỗi ha mía lỗ 10 triệu đồng”, ông Tý rầu rĩ nói.
“Nếu năm ngoái giá mía bán tại đồng là 900.000 đồng/tấn (10 chữ đường), thì từ đầu mùa năm nay, Nhà máy đường Cam Ranh chỉ thu mua là 875.000 đồng/tấn (10 chữ đường). Đã mất giá, mất mùa, trong khi chi phí đầu tư, công chặt mía không hạ nên người trồng mía không có lãi”, ông Nhiên nói.
Theo Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, đầu vụ mía, Nhà máy đường Ninh Hòa thu mua 850.000 đồng/tấn (10 chữ đường), nhưng Nhà máy hỗ trợ thêm cho người trồng mía 20.000 đồng/tấn. Thành ra, 1 tấn mía bà con nông dân thu về là 870.000 đồng/tấn (10 chữ đường).
Mía liên tiếp mất mùa, giá bấp bênh, ông Hạn cho biết đang chuyển sang trồng mì
Không chỉ có người trồng mía ở xã Ninh Sim, mà người trồng mía ở xã Ninh Tân cũng đang “quay lưng” với mía để chuyển sang trồng cây khác. Theo UBND xã Ninh Tân, toàn xã có hơn 1.600 ha mía và hiện đã thu hoạch được 30-40%. Cũng như các xã trồng mía khác ở thị xã Ninh Hòa, năng suất mía tại xã Ninh Tân cũng giảm 30-40% so với năm ngoái. Cũng không ngoại lệ, do mất mùa, mất giá nên người trồng mía ở xã Ninh Tân thua lỗ so với mọi năm. “Toàn xã có 600-700 ha mía tơ và người trồng mía tơ thì lỗ nặng hơn so với người trồng mía gốc”, ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Tân, nói.
Ông Hoàng cũng cho biết, trước thực trạng trên, địa phương đang vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo đó, ở những vùng đồi cao trồng mía không đạt hiệu quả thì trước mắt chuyển sang trồng keo. “Năm ngoái địa phương đã chuyển từ diện tích mía sang trồng 40-50ha keo; từ năm 2015 trở đi sẽ trồng từ 100-120ha keo”, ông Hoàng tâm sự.
“Khát” lao động chặt mía Đó là tình trạng chung tại các xã trồng mía trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Nguyên nhân là do thu nhập từ nghề chặt mía không ổn định, vài năm trở lại đây lao động địa phương chuyển sang làm công nhân. Do thiếu lao động nên hiện giá công chăt mía đang “đội” lên từng ngày. |