Đồng Nai:

Gần 70.000 tấn mía “kêu cứu” giữa cánh đồng

(Dân trí) - Các tuyến kênh rạch huyết mạch để vận chuyển mía cạn trơ đáy khiến gần 70.000 tấn mía tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đang trong tình trạng “nằm chờ cháy khô”. Nhiều người trồng mía ở đây đang đứng trước nguy cơ một vụ mùa mất trắng.

Gần 70.000 tấn mía “kêu cứu” giữa cánh đồng
Người nông dân trồng mía tại huyện Nhơn Trạch đang đứng trước nguy cơ mất trắng vì không thể vận chuyển đến điểm tập kết bán cho lái buôn

Nông dân đối mặt với vụ mùa trắng tay

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Những ngày này nông dân trồng mía tại các vùng trồng mía trọng điểm của huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) như đang ngồi trên đống lửa khi mía đã đến mùa thu hoạch nhưng họ không biết làm sao để chở mía đến các bãi thu mua tập trung.

Khác với mọi năm, năm nay hầu hết các tuyến kênh rạch trong vùng mực nước đã xuống thấp kỷ lục. Ghi nhận thực tế, nhiều con kênh nhỏ dẫn đến các ruộng mía đã cạn trơ đáy. Các phương tiện vận chuyển mía sau khi thu hoạch như ghe, tàu thời điểm hiện tại không thể lưu thông đến các ruộng mía của người nông dân khiến việc vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, tại các ruộng mía nằm sâu nơi chỉ có các tuyến kênh nhỏ thì không thể vận chuyển được.

Bà Dương Thị Hai (nông dân trồng mía xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) cho biết: “Nhà tôi có 1 ha mía thế nhưng gần 1 tháng nay mà thu hoạch chưa xong bởi không thuê được phương tiện để vào vận chuyển. Các kênh dẫn vào ruộng mía cạn nên các ghe thuyền vận chuyển không thể vào. Vì vậy, chúng tôi không dám chặt đồng loạt bởi chặt rồi lấy gì mà chở ra”.

Trong khi đó, đối với một số hộ “may mắn” có ruộng mía nằm gần các trục kênh chính, nước chưa xuống thấp, các phương tiện cỡ nhỏ còn có thể tiếp cận thì cũng than trời vì chi phí vận chuyển tăng. “Mấy năm trước các kênh nhỏ thuyền vận chuyển được khoảng 4, 5 tấn nhưng năm nay, do nước cạn may lắm các ghe chỉ chở được 2 tấn. Do đó, chi phí vận chuyển cũng tăng lên, năm trước giá vận chuyển chỉ có 120.000 đồng/tấn, năm nay do nước cạn, khó vận chuyển nên giá tăng lên đến 140.000 đồng/tấn” - Ông Nguyễn Văn Châu, nông dân trồng mía tại xã Phước Khánh chia sẻ.

Cũng theo ông Châu, tuy giá tăng nhưng số diện tích mà các ghe, tàu có thể vào vận chuyển cũng còn may. Phần lớn diện tích nằm trong các con kênh nhỏ hiện giờ các phương tiện này không thể vào nên giờ người trồng chỉ biết ngồi chờ nước lên mới dám thu hoạch.

Không vận chuyển được người trồng đành bỏ mặc mía trên ruộng không dám đốn khiến trữ đường trong mía giảm. Nước cạn khó vận chuyển khiến năng suất, chất lượng mía giảm, trong khi chi phí thuê nhân công thu hoạch, vận chuyển đều tăng nên theo các hộ trồng mía, vụ mía này người trồng ôm chắc lỗ từ 5 đến 7 triệu đồng/tấn mía.

Gần 70.000 tấn mía “kêu cứu”

Gần 70.000 tấn mía “kêu cứu” giữa cánh đồng
 Mía đã đến thời kỳ thu hoạch, ông Nguyễn Văn Châu, xã Phước Khánh đã tiến hành chặt mía nhưng vẫn chưa biết phải vận chuyển ra điểm tập kết thu mua bằng cách nào

Ông Bùi Phước Đức, Quyền trưởng Phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch cho biết, theo số liệu thống kê của Phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch, diện tích mía của huyện hiện có khoảng 1.500 ha, tuy nhiên đến thời điểm này mới chỉ thu hoạch được khoảng hơn 500 ha. Với gần 1.000 ha chưa thu hoạch. Ước tính trên địa bàn huyện, người trồng mía hiện còn mắc kẹt gần 70.000 tấn mía chưa biết cách nào để vận chuyển.

Ông Đức cho biết thêm, toàn bộ vùng trồng mía của huyện Nhơn Trạch nằm gọn trong các tuyến kênh thủy lợi khu vực Ông Kèo gồm 59 tuyến kênh và các cống, đập có nhiệm vụ ngăn mặn, tiêu úng và phục vụ nước tưới tiêu trên địa bàn.

Tuy nhiên, hệ thống thủy lợi này đã đưa vào sử dụng hơn 20 năm nên hiện tại phần lớn các tuyến kênh liên hoàn bị bồi lắng, cây cối mọc um tùm gây khó khăn trong việc vận chuyển, sản xuất, nhiều đoạn bị tắc nghẽn.

Trong thời gian qua huyện Nhơn Trạch đã có nhiều văn bản kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) triển khai thực hiện việc nạo vét các tuyến kênh của hệ thống. Cụ thể, Tháng 7/2013, Dự án nạo vét các tuyến kênh rạch hệ thống thủy lợi Ông Kèo do Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai làm chủ đầu tư gồm 2 gói thầu với tổng số kênh cần nạo vét là 33 tuyến với chiều dài hơn 51 km, tổng giá trị dự toán hơn 21 tỷ đồng được trình UBND tỉnh Đồng Nai.

Các kênh rạch nhỏ cạn nước khiến các phương tiện vận không thể tiếp cận để chở mía
Các kênh rạch nhỏ cạn nước khiến các phương tiện vận không thể tiếp cận để chở mía

Mặt khác, nhằm xác định lộ trình nạo vét các tuyến kênh để phục vụ cho công tác vận chuyển nông sản cho người dân trên địa bàn, tháng 8/2014, UBND huyện Nhơn Trạch phối hợp với Sở NNPTNT, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai khảo sát thực tế kiến nghị ưu tiên nạo vét 8 tuyến kênh giao thông nội đồng chính trong tổng số 33 tuyến kênh khu vực Ông Kèo để đảm bảo công tác vận chuyển mía phục vụ sản xuất trên địa bàn. Đặc biệt, ưu tiên nạo vét 3 tuyến kênh có nhu cầu cấp bách là tuyến kênh N10, xã Phú Hữu, kênh N18, xã Phước Khánh, kênh Ngọn Ông Mười, xã Phú Đông là những vùng trọng điểm trồng mía của huyện.

Điều đáng nói, đó đến nay, dự án nạo vét các tuyến kênh rạch hệ thống thủy lợi Ông Kèo vẫn chưa được triển khai. Theo ông Đức, hiện tại dự án đã được bố trí vốn khoảng 8,5 tỷ đồng phục vụ nạo vét 3 tuyến kênh trọng điển N10, N18, Ngọn Ông Mười và đang đợi vốn để tiến hành đấu thầu thực hiện. Thế nhưng, khi được hỏi khi nào sẽ triển khai thì ông Đức cho biết: Đến giờ huyện vẫn không biết thời gian nào dự án sẽ chính thức tiến hành.

Bên cạnh đó, mực nước các tuyến kênh rạch xuống thấp là do hiện tại độ mặn nước sông Đồng Nai tại khu vực huyện Nhơn Trạch khá cao (khoảng 5/1000 đến 6/1000). Chính vì vậy, các cống lấy nước của hệ thống phải đóng không lấy nước để tránh nguy cơ nhiễm mặn. Điều này cộng với thời tiết đang vào cao điểm mùa khô khiến mực nước các kênh rạch trên địa bàn xuống thấp.

Vĩnh Thủy

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”